Theo con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết quý I/2015 tình hình xuất khẩu (XK) có sụt giảm chung, trong đó nông lâm thủy sản sụt giảm tương đối lớn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm, XK nông lâm thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014. Hầu như các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm như: gạo giảm 9,2%, cà phê giảm 39,3%; thuỷ sản giảm 16,6%...

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do “cung” lớn hơn “cầu”. Phóng viên TBTCVN đã ghi lại một số ý kiến của "người trong cuộc" về nguyên nhân và giải pháp nhằm tháo gỡ tiêu thụ nông sản thời điểm này.

* Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Quy hoạch phải ở tầm “cung - cầu thế giới"

Ông Trần Tuấn Anh

Ông Trần Tuấn Anh

Thứ nhất, năm 2015, biến động trên thị trường thế giới tương đối bất ngờ, cân đối cung - cầu có thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Cung thị trường thế giới tăng một số sản phẩm như gạo và thủy sản, cao su… Các nước xuất khẩu khác đều gia tăng sản lượng XK của họ như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia.

Một số mặt hàng khác mặc dù sản lượng không thay đổi nhưng cầu tương đối yếu. Đối với một số sản phẩm có thế mạnh của chúng ta nhưng các nước khác tăng cường XK nên thị phần bị ảnh hưởng.

Tôi đồng tình với bài toán phải quy hoạch rõ ràng. Điều quan trọng nhất là người dân và doanh nghiệp (DN) phải gắn kết với nhau để định hướng quy hoạch.

Hơn nữa, ở tầm lớn hơn, quy hoạch không chỉ nằm phạm vi quốc gia mà còn toàn cầu. Ví dụ cao su, cà phê, gạo…, Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong XK nhưng diễn biến của thị trường thế giới còn phụ thuộc nhiều quốc gia khác, có tiềm lực về chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất… Vì vậy, chúng ta phải tính toán quy hoạch này ở tầm cung - cầu thế giới, phối hợp với các quốc gia khác để điều tiết, chấp nhận cuộc chơi chung chứ không thể “một mình một chợ”.

* Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT): “Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN XK mở thị trường, cân đối cung - cầu”

ông nguyễn trọng thừa

Ông Nguyễn Trọng Thừa

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra rà soát lại tại các địa phương, khu vực sản xuất, làm việc với các hiệp hội ngành, hàng, đặc biệt là các DN có kim ngạch XK lớn.

Nguyên nhân chính của xuất khẩu nông thủy sản giảm là hiện nay cả thế giới cung lớn hơn cầu rất nhiều. Các nước có xu thế muốn tự cung cấp, phấn đấu tăng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu cho nên đã tạo áp lực lớn về XK. Bên cạnh đó, biến động về tỷ giá ngoại tệ cũng dẫn đến khó khăn chung về XK.

Không những vậy, sản xuất trong nước, lượng cung liên tục tăng. Có mặt hàng sản lượng tăng trên 40%, diện tích và năng suất đều tăng. Tuy nhiên, sản lượng tăng nhưng chất lượng không tăng cũng gây khó khăn về XK. Nếu thời gian tới, các DN không tập trung vào tăng cường an toàn chất lượng thì sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong XK.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng một số giải pháp tiêu thụ nông sản. Trong đó, quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN XK mở thị trường, cân đối cung - cầu. Vấn đề này, Bộ NN&PTNT hàng tháng có cân đối cung - cầu, thông tin dự báo khó khăn với DN, nhà sản xuất để các nhà sản xuất và bà con nông dân tự điều chỉnh. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao, mục tiêu đạt XK nông lâm thủy sản 2015 là 32 tỷ USD sẽ đạt được.

* Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và DN cần phối hợp chặt chẽ hơn”.

Ông Dũng

Ông Nguyễn Hữu Dũng

Có một nguyên nhân nữa khiến tiêu thụ nông sản giảm trong thời gian qua là vì năm 2014, XK thắng lớn quá, các nước nhập khẩu nhiều, lượng hàng tồn lại quý I nhiều hơn đo đó nhu cầu nhập giảm đi. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách bình bĩnh.

Chuyện thị trường lên xuống là chuyện cần được nhìn dài hạn. Có những biện pháp ngắn hạn nhưng không cần quá hối hả.

Trong giải pháp điều hành cả dài hạn và ngắn hạn hình như chưa đạt đến sự phối hợp chặt chẽ. Công tác thông tin, trong thông tin, nhiều khi chính thông tin quá vội vã gây tác dụng ngược.

Đặc biệt, hiện nay có sự tách nhóm giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và DN. Bộ NN&PTNT chỉ tập trung vào tấn, Bộ Công thương tập trung vào tỉ đô la, nhưng DN họ chỉ tính lợi nhuận. Do đó, 3 nhóm thông tin này cần có sự phối hợp tốt thì chỉ đạo mới tránh sự gây khó khăn cho nhau, nếu không sẽ kìm hãm nhau phát triển./.

Phúc Nguyên