Động lực để ngành nông nghiệp “bứt phá” những tháng cuối năm

Xuất khẩu (XK) tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 10 tháng ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính trên đạt 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính đạt khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi đạt 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất đạt gần 2 tỷ USD, tăng 45,3%.

Đặc biệt, đến nay, Việt Nam có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất, đạt trên 11,4 tỷ USD, chiếm 25,4% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD, chiếm 18,5% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 7,8%; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 2,1 tỷ USD, chiếm 4,7%.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Thế Dương

Đánh giá về thị trường XK, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất; lạm phát tại châu Âu (EU), chiến sự tại Ucraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực. EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên XK sang thị trường này dần chuyển biến tích cực nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logitics lớn... Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 10, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường này, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được XK sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, với kết quả XK nông, lâm, thủy sản đã vượt trên 40 tỷ USD, đây là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp “bứt phá” trong những tháng còn lại của năm 2022. Với những kết quả này, ông Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao, như: tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%; tổng kim ngạch XK đạt 50- 55 tỷ USD…

Áp dụng sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải lường trước một số thách thức. Trong đó, yếu tố đặc biệt lưu ý là tình trạng lạm phát diễn ra tại nhiều quốc gia, cũng như xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống. Do tình hình địa chính trị bất ổn, người tiêu dùng có xu hướng tiết chế cơ cấu bữa ăn, khiến thị phần có nguy cơ thu hẹp và xuất hiện hàng tồn kho.

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để đạt mục tiêu XK 50 - 55 tỷ USD thì ngành nông nghiệp đang nỗ lực triển khai các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cần lường trước khó khăn do chi phí đẩy và tỷ giá hối đoái tăng. Dòng tiền và cán cân thương mại cần được tính toán, điều chỉnh theo chu kỳ ngắn hạn.

“Trong bối cảnh lạm phátxảy ra ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới, sẽ có những mặt hàng suy giảm XK. Với sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường XK trọng điểm thông qua khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường”- ông Phùng Đức Tiến khuyến cáo.

Nông lâm thủy sản xuất siêu 7,7 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu khoảng 37,2 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 7,7 tỷ USD, tăng 83,7%.

Quy tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" này đã được áp dụng trong thực tiễn một loạt các ngành hàng. Cụ thể trong ngành gỗ, khi thị trường giảm nhu cầu gỗ, đồ nội thất, Việt Nam đã chuyển qua XK viên nén gỗ để thu về bù vào phần giảm.

Đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, ngành thủy sản đang kỳ vọng những tháng cuối năm XK sẽ có sự bứt phá nhanh nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhiều quốc gia trong các dịp lễ hội và chuẩn bị đón năm mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia dẫn đến sức mua kém, ngành thủy sản sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm chế biến hợp túi tiền để thúc đẩy tiêu dùng. Đồng thời tiếp tục chú trọng thị trường Trung Quốc vì nhu cầu tại thị trường này đang dần phục hồi, cộng thêm lợi thế về địa lý và phí vận chuyển thấp. Ngoài ra, thủy sản đang tiếp tục xúc tiến vào thị trường Anh, nơi đang cần xây dựng lại hệ thống chuỗi cung ứng sau khi rời EU. Đây chính là cơ hội lớn, nhất là khi Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh trong ASEAN.

Đối với ngành hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho hay, ngành này đang chạy đua cùng thời gian để đạt mục tiêu XK 3,2 tỷ USD năm 2022. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam tạo điều kiện cho những lô hàng sầu riêng đầu tiên được XK sang Trung Quốc theo đường chính ngạch với giá bán cao. Ngoài ra, chanh dây cũng được XK thí điểm chính ngạch sang Trung Quốc. Mới nhất, Mỹ cũng đã có quyết định nhập khẩu trái bưởi tươi từ Việt Nam... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh XK các sản phẩm giá trị cao trong những tháng cuối năm, kéo kim ngạch ngành rau quả tăng nhanh.

10 tháng, Việt Nam nhập khẩu hơn 37 tỷ USD mặt hàng nông sản

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 37,2 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 22,7 tỷ USD, tăng 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước trên 2,3 tỷ USD, tăng 40,6%; nhóm lâm sản chính 2,7 tỷ USD, tăng 7,4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,7 tỷ USD, giảm 5,2%; nhóm đầu vào sản xuất ước 6,7 tỷ USD, tăng 11,3%.

Về thị trường NK, khu vực châu Á chiếm 30,4% thị phần NK của Việt Nam, thứ 2 là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại dương chiếm 7,3%, châu Âu chiếm 4,3% và châu Phi chiếm 3,4%. Achentina, Hoa Kỳ, Trung Quốc là 3 thị trường cung cấp hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu lần lượt là 9,0%, 8,7% và 8,4%.NNK