Thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021, năm đầu thực thi UKVFTA, đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

Năm 2022, các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Anh trong 7 tháng của năm 2022 vẫn đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Tại cuộc tọa đàm "Tận dụng UKVFTA, gia tăng thị phần hàng hóa tại thị trường Vương quốc Anh" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao sang Anh thời gian qua có thể kể đến hàng dệt may, giày dép, điện tử dân dụng. Bên cạnh đó, còn có sản phẩm mới xuất hiện tại thị trường Anh và có triển vọng tốt là các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm thân thiện môi trường…

Nguồn: Tổng cục Thống kế
Nguồn: Tổng cục Thống kế

Đánh giá về thành quả trong xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Anh, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là điểm sáng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Ông Võ Trí Thành bình luận, tốc độ tăng trưởng của hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU và Vương quốc Anh là khả quan. Thị trường Anh đối với Việt Nam, tuy không phải là thị trường mới nhưng UKVFTA giúp nhiều mặt hàng Việt Nam tăng mạnh, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như dệt may, giày dép, có thêm mặt hàng sắt thép cũng tăng mạnh trong năm 2021 và năm 2022.

Cũng theo ông Thành, hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ còn tiến xa hơn nữa trong những năm tới, bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng để thâm nhập thị trường Anh

Theo Bộ Công thương, đến nay Anh là một trong các quốc gia nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Việt Nam, ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác xuất khẩu đứng thứ 23 vào thị trường Anh.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Anh có sức mua lớn, thu nhập 45.000 USD/năm với hơn 67 triệu dân…, có nhu cầu tiêu dùng tăng sau dịch Covid-19, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường, đường bay sang Anh không quá xa so với Hoa Kỳ, có nguồn nhân lực sinh viên Việt Nam học ở Anh lớn là cầu nối có thể mở rộng hoạt động thương mại. Khi Anh ra khỏi khối EU cũng tạo ra lợi thế cho hàng Việt Nam, điển hình như sắt thép gia tăng được kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương Quốc Anh cho biết, cơ quan xúc tiến thương mại tại Anh sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật của Anh. Thương vụ cũng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp quy định chuyển đổi nhãn mác, C/O vào thị trường Anh; tháo gỡ vướng mắc cho các nhà nhập khẩu lớn của EU nhập hàng Việt Nam sau đó phân phối ra toàn thị trường EU, trong đó có Anh.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cũng cho hay, Vương quốc Anh là thị trường có tính cạnh tranh cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia. 9 tháng của năm 2022, có khoảng 300 DN Hà Nội tham gia xuất khẩu vào thị trường này, đạt 148 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, kim khí, vi tính và khoáng sản. Để hỗ trợ DN, Hà Nội khuyến khích DN tham gia các chương trình kết nối cung - cầu; phòng tránh các biện pháp áp dụng thuế quan của các nước nhập khẩu; tham gia các hội chợ tại nước ngoài, ký 140 thỏa thuận, trị giá 5 triệu USD…

“Quý IV/2022, chúng tôi dự kiến mời DN sang thị trường Anh để tìm hiểu, thực hiện xuất khẩu theo nhãn mới quy định của Vương quốc Anh; tổ chức hội nghị kết nối với các ngân hàng để giúp DN tìm hiểu phương thức thanh toán vào thị trường Anh” - bà Nguyễn Kiều Oanh nói.

Đề cập đến năng lực thâm nhập thị trường Anh của DN Việt Nam, ông Võ Trí Thành cho rằng, nhìn tổng thể DN Việt Nam cũng đã làm quen với thị trường EU nói chung thị trường Anh nói riêng nhiều năm qua. Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường Anh, DN cần cải thiện năng lực chất lượng sản phẩm, nắm bắt xu hướng tiêu dùng thân thiện môi trường cũng như cách thức tiêu dùng, lối sống của người dân Anh.