Bộ Tài chính lên Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 Ra quân ngay từ ngày đầu, phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán năm 2022 Cải cách là động lực phát triển của ngành Tài chính
Hoạt động tại Trung tâm giám sát, chỉ huy trực tuyến tại trụ sở Tổng cục Hải quan.
Hoạt động tại Trung tâm giám sát, chỉ huy trực tuyến tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

91% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3, 4

Điểm nhấn đầu tiên chính là việc trình Bộ, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Trên cơ sở đó, đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan đã tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh hoạt động điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trình ban hành Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan; thường xuyên rà soát, tinh giản, sáp nhập được 139 tổ, đội, giảm 12 chi cục Hải quan.

Bên cạnh đó, thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan.

Hàng năm, Tổng cục Hải quan đều phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hiện đại nhằm phục vụ hoạt động quản lý.

Một việc đáng nhấn mạnh năm qua là xây dựng và thực hiện có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia với 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành; giúp Chính phủ kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.

Toàn ngành cũng nỗ lực bảo đảm vận hành ổn định, an toàn Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra hải quan, trong đó điển hình như Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.

Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm

Có thể nói, công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Trong Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, ngành Hải quan đã đặt ra 6 nội dung trọng tâm xuyên suốt để tiếp tục duy trì "phong độ".

Thứ nhất, ngành Hải quan đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực hải quan đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bảo đảm quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ ba, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan; tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc.

Thứ năm, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Hải quan đảm bảo công tác thu ngân sách nhà nước; đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.

Thứ sáu, ngành Hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh; thí điểm công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).