Theo thông tin Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với định hướng diện tích chè cả nước ổn định khoảng 140 nghìn ha, trồng mới và trồng thay thế hàng năm chủ yếu bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao, trong đó cơ cấu giống chè chất lượng khá và chất lượng cao chiếm trên 50 % diện tích, sản xuất chè theo hướng an toàn; hiện nay các tỉnh sản xuất chè chủ yếu của nước ta đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn.
Cụ thể, tại Thái Nguyên, định hướng của tỉnh đến 2020 diện tích sản xuất chè là 22.000 ha, năng suất khoảng 12 tấn/ha, tăng tỷ lệ giống mới sản xuất chè xanh cao cấp chiếm 80% diện tích, mở rộng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP.
Tại Phú Thọ, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển chè của tỉnh đến 2020, trong đó giữ ổn định khoảng 15.500 ha, cơ cấu giống chè mới chiếm 80 %, diện tích chè được chứng nhận theo quy trình sản xuất an toàn là 6.500 ha.
Tại Tuyên Quang, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó định hướng tổng diện tích chè toàn tỉnh khoảng 9000 ha, diện tích chè an toàn khoảng 2.391 ha.
Còn tại Yên Bái, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sản xuất chè an toàn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020. Trong đó đến 2020 diện tích chè an toàn của tỉnh sẽ đạt khoảng 8.800 ha.
Cùng với đó, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Lào Cai đến 2020 và định hướng đến 2030. Trong đó đến 2020 diện tích chè toàn tỉnh là 6000 ha, hiện nay diện tích chè sản xuất được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.035 ha tại huyện Mường Khương và Bảo Thắng.
Tại Hà Giang, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cây chè tỉnh Hà Giang đến năm 2020 với một số mục tiêu chính: Diện tích chè toàn tỉnh là 24.300 ha, năng suất 59,4 tạ/ha, sản lượng đạt 124,1 nghìn tấn chè búp tươi/năm. Xây dựng vùng chè thâm canh 15.000 ha bao gồm các xã vùng thấp các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Diện tích còn lại phát triển theo hướng sản xuất chè hữu cơ. Khoanh vùng, hỗ trợ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến đến năm 2020 đạt 3.000 ha.
Với Sơn La, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn tỉnh Sơn La đến năm 2020./.
Khánh Linh