bl

Tính đến tháng 15/8/2016, cơ quan hải quan đã bắt giữ, xử lý trên 11,9 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 100 tỷ đồng. Ảnh T.L minh họa

Thu ngân sách tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8/2016 ước đạt 69,49 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% (giảm 28,9 nghìn tỷ đồng) so với tháng 7/2016; trong đó, thu nội địa ước đạt 53,9 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 28,7 nghìn tỷ đồng (-34,8%) so với tháng trước.

Số thu giảm chủ yếu được Bộ Tài chính lý giải là do các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2016, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng quý II/2016 của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, nộp ngân sách trong tháng 7 theo chế độ quy định, sang tháng 8 số thu phát sinh thấp.

Cũng theo báo cáo, thu từ dầu thô ước đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 360 tỷ đồng (+10,6%) so với tháng trước, do giá dầu thô trên thị trường thế giới tháng 8 đã phục hồi tăng mạnh so với tháng trước; tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro, trước áp lực dư thừa nguồn cung lớn do Mỹ tăng sản lượng khai thác và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm. Giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 46 USD/thùng, giảm 14 USD/thùng so với giá dự toán.

Bên cạnh đó, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu có tổng số thu ước đạt 21,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,16 nghìn tỷ đồng (-5,1%) so với tháng trước, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho NSNN giảm. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 9,8 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách đạt 11,7 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, thu NSNN ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 đạt 67,7% dự toán, tăng 6,7%); trong đó, thu nội địa ước đạt 523,1 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2015 (không kể thu tiền sử dụng đất, thì tăng 10,6%).

Bộ Tài chính nhận định, các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản đều đạt khá so dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước, như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 72,6% dự toán, tăng 22,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,4% dự toán, tăng 14,1%; thuế thu nhập cá nhân đạt 71,9% dự toán, tăng 15,4%; thu đạt dự toán cả năm là thu tiền sử dụng đất đạt 102,3% dự toán, tăng 36,2%; thu tiền thuê đất đạt 107% dự toán, tăng 48,1%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu tiến độ đạt thấp (dưới 60% dự toán), như: thu phí, lệ phí đạt 57,2%, thu khác ngân sách đạt 55,5%. Đặc biệt là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 53% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Tài chính chỉ ra là do ảnh hưởng của giá dầu, khí giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí khó khăn, số thu nộp ngân sách giảm; các doanh nghiệp thủy điện bị ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất thường, hạn hán nghiêm trọng; các doanh nghiệp than, khoáng sản bị ảnh hưởng do giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng cao. Đồng thời, số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp.

Bên cạnh đó, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp chậm, 8 tháng mới thực hiện thu vào NSNN được 10 nghìn tỷ đồng (trong tổng số thu 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết Quốc hội), chủ yếu là từ nguồn dư quỹ các năm trước.

Thu ngân sách địa phương bình quân đạt khoảng 76% dự toán

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhận định về tình hình tiến độ thu ngân sách các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước đến hết tháng 8, thu ngân sách địa phương bình quân chung đạt khoảng 76% dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất đạt dưới 60% dự toán; 7 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, 8 tháng, thu về dầu thô ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, giảm 43,2% so cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 8 tháng ước đạt 10,47 triệu tấn, bằng 74,8% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng khoảng 41,3 USD/thùng, giảm 18,7 USD/thùng so với giá tính dự toán.

Tổng số thu cân đối ngân sách 8 tháng từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 173 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2015; sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (76,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán), thu cân đối NSNN đạt 96,5 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Thực tế, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do tác động của các yếu tố khách quan như: giá dầu và các sản phẩm hóa dầu giảm; thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng chậm, kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho NSNN đạt thấp so cùng kỳ năm trước, làm giảm nguồn thu NSNN.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, ngoài yếu tố làm giảm thu trực tiếp của NSNN năm 2016 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, còn có tác động làm giảm thu gián tiếp do tác động chuyển hướng thương mại, các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường có thuế suất ưu đãi hơn.

Bộ Tài chính cho biết, mặc dù thu ngân sách địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thu ngân sách trung ương mới đạt khoảng 56,2% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm trước (đạt 61,7% dự toán).

Do đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan chủ động, quyết liệt và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp quản lý thu, tập trung vào nhiệm vụ thu của ngân sách trung ương; tăng cường xử lý, thu nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu; tăng cường kiểm tra sau thông quan, kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O)...

Nhờ vậy đã tăng thêm thu cho NSNN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế, mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, kết nối thông tin và phối hợp thu với các ngân hàng; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 108,6 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 8 tháng đạt 770,7 nghìn tỷ đồng, bằng 60,5% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015.

Bội chi NSNN ước 8 tháng là 121,27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm. Đến ngày 24/8/2016 đã phát hành được 229,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

Tính đến tháng 8/2016, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 39,15 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 7,1 nghìn tỷ đồng; đôn đốc, cưỡng chế thu được 26,25 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang. Cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 4,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu cho ngân sách 1.112 tỷ đồng; thực hiện thu hồi và xử lý được 259 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31/12/2015.

Tính đến tháng 15/8/2016, đã bắt giữ, xử lý trên 11,9 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 100 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 31 vụ, chuyển các cơ quan khác điều tra 42 vụ.

H.TR