Ấm lòng người ra đi, nhẹ lòng người ở lại
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN và TP. Hồ Chí Minh dâng hương tại lễ tưởng niệm. Ảnh: Gia Cư

Và tôi lại khóc…

Với tôi, đêm qua thực sự lại một đêm không ngủ. Chắc chắn không chỉ với tôi mà với rất rất nhiều người trên mọi miền Tổ quốc, người Việt ở nước ngoài. Có quá nhiều lý do, quá nhiều cảm xúc để không ngủ khi chứng kiến rất nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đại dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn ra tối 19/11.

Lại càng xúc động hơn khi chính mình trong số những người được hưởng hạnh phúc nhất với người từng sống giữa tâm dịch nhiều tháng qua được cho là may mắn không bị đại dịch Covid -19 cướp đi sinh mạng. Đặc biệt hơn nữa với tôi còn là những cảm xúc không gì diễn tả nổi, nó cứ ùa về, cứ hiện lên không cưỡng lại được khi tận mắt chứng kiến những gì đã diễn ra trong đợt dịch lần thứ tư với quá nhiều hình ảnh, quá nhiều đau thương mất mát đối với nhiều gia đình, nhiều khu dân cư, xóm phố.

Chiều muộn trước khi diễn ra đại lễ tưởng niệm, cháu tôi ngụ tại phường 10 quận 8 điện thoại hỏi: "Chú ơi hôm nay có đi dự buổi lễ này không?"... Cháu cho biết, thật tình cờ, lễ tưởng niệm Nhà nước tổ chức lại đúng vào ngày mẹ cháu mất vì dịch Covid-19 cách đây 100 ngày. Tôi bảo: "Cháu cứ làm một mâm chay gọi hồn mẹ rồi đến đây đi với chú, đến chùa Pháp Hoa quận 3".

Hàng trăm người đến trước khu vực thả hoa đăng đã đến trước, chờ đợi từ lúc nào không biết. Những ngọn đèn hoa đăng được mang từ trong chùa Pháp Hoa ra phía bờ kênh đường Trường Sa, không ai bảo ai, mọi người tự khắc giữ im lặng, thành tâm và những giọt nước mắt bắt đầu rơi.

Ấm lòng người ra đi, nhẹ lòng người ở lại
Thả hoa đăng tại Chùa Pháp Hoa. Ảnh: Gia Cư

Nước mắt cháu tôi cũng như bao người bắt đầu chảy. Cháu nắm chặt tay người cha 70 tuổi, nghẹn ngào! Ngọn hoa đăng lững lờ theo dòng nước. Và tôi lại khóc!

Quan sát những người xung quanh, trong số những thân nhân của những người đã khuất có rất nhiều người dân trong vùng họ cùng đến thắp nến, thả hoa đăng và cùng cầu nguyện. Không kịp hỏi đầy đủ tên tuổi người bên cạnh, chỉ nghe anh kể nhà anh ở quận 12. Trong con hẻm nhỏ nhà anh có đến gần 100 người mất vì Covid-19. Anh nói, nhà anh kể ra cũng may rồi, cả nhà nhiễm bệnh và chỉ có ba anh không may, còn những gia đình khác có nhà mất đến 4 người.

Rời chùa Pháp Hoa, chúng tôi đi một vòng khu vực quận 1 và quận 3. Vẳng tiếng chuông vài nhà thờ khi đi qua. Dòng người phía dưới tượng Đức Mẹ cúi đầu lặng lẽ bên những cành hoa trắng và những ngọn nến đã thắp lên từ lúc trời vừa tối.

Thắp một ngọn nến đêm nay, thả một đèn hoa đăng, gióng một hồi chuông giây phút này, chúng tôi xin gửi một lời nguyện cầu “nhẹ bước thanh vân” cho đồng bào đã không may mắn trong đại dịch này.

Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù các cấp lãnh đạo đã rất cố gắng nhưng có nhiều người chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi đau day dứt trong lòng người thân và đồng đội, đồng chí.

Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào làm lay động lòng người.

Nỗi đau và trách nhiệm

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn thất hết sức nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Cuộc chiến với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong suốt 5 tháng qua đã để lại nhiều mất mát đau thương không thể thống kê bằng con số, không thể đong đếm diễn tả bằng ngôn từ.

Trong cuộc sống, sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất. Sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát của hơn 23.000 đồng bào. Trong đó, có biết bao người không được tổ chức một tang lễ trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục ngàn gia đình mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ.

Lễ tưởng niệm được tổ chức tối qua hầu hết những ai được chứng kiến, được tham gia đều được giải tỏa phần nào nỗi day dứt, xót thương của những người thân kể cả những người không, chưa kịp thân quen (đơn giải thôi họ là người Việt Nam máu đỏ da vàng). Nhiều người cho rằng, lễ tưởng niệm diễn ra không hề muộn mà rất ý nghĩa trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Đặc biệt, thể hiện tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với nỗi đau mất mát của đồng bào, đồng chí.

Không chỉ là nén tâm nhang dành cho người đã khuất, lễ tưởng niệm là lúc cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nhắc nhở chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng bảo vệ cuộc sống, bảo vệ môi trường. Qua lễ tưởng niệm, chúng ta khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua khó khăn thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh và mang lại đời sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người.

“Những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ đầu bùng phát đại dịch lần thứ ba, thứ tư đã biết lẫy, biết ngồi; cuộc sống tiếp tục sinh sôi, nảy nở, dần trở lại trạng thái bình thường mới”.

Diễn văn tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến khẳng định: Trong niềm xúc động và và tiếc thương vô hạn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính, gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19, cầu cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.

Ấm lòng người ra đi, nhẹ lòng người ở lại
Đoàn người dâng hoa tại lễ tưởng niệm. Ảnh: Gia Cư

Đó là những ATM gạo, ATM oxy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng” trong vùng dịch, “nhường cơm xẻ áo cho nhau” trong lúc khó khăn thiếu thốn. Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết” và “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã được chở vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dốc tâm lực chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình. Hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã mắc Covid-19, hàng trăm người đã qua đời..

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Những ngày qua, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc Covid -19 có xu hướng tăng hơn. hãy nén đau thương và biến đau thương thành hành động, tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hoảng hốt.

Nhiều biện pháp chủ động ứng phó đã được đưa ra, với tinh thần “chuẩn bị trước một bước, trên một mức”. Không bao giờ được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh - mất mát to lớn trong đợt dịch vừa qua luôn nhắc nhở chúng ta điều đó./.

"Người Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì có thể cho những số phận bất hạnh gây ra bởi đại dịch Covid-19. Nhưng, trong đau thương ấy, chúng ta đã nắm chặt tay nhau để sẻ chia và từng ngày vượt qua thách thức, đe dọa khủng khiếp của đại dịch và những mất mát không gì bù lại được. Cũng trong chính thách thức, đe dọa và mất mát ấy, chúng ta đã quay lại nhìn về hôm qua và suy nghĩ nghiêm túc nhất về những hành xử của chúng ta đối với thế gian này. Giờ đây, trong mỗi chúng ta yêu thương nhiều hơn, khát vọng nhiều hơn, ý chí nhiều hơn và cũng ân hận nhiều hơn. Chúng ta cần phải sống khác đi hơn nữa để những bi thương như con người đã và đang gánh chịu mỗi ngày một vơi đi". Nhà văn Nguyễn Quang Thiều