Áp dụng quản lý rủi ro phòng, chống các vi phạm về thuế
Đồ họa: Văn Chung

Đáp ứng yêu cầu quản lý thuế mới

Ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc. Với việc áp dụng HĐĐT, ngành Thuế đã thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về việc điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế (NNT) thực hiện nghĩa vụ của mình đối với ngân sách nhà nước (NSNN); tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Với dữ liệu HĐĐT lên đến hàng tỷ hóa đơn mỗi năm, đây là nguồn dữ liệu rất quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế của ngành.

Trước thực tiễn trên, yêu cầu đặt ra với ngành Thuế là cần phải xây dựng CSDL phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo phương pháp QLRR, trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Việc này khắc phục các tồn tại, hạn chế chất lượng thông tin, số liệu, dữ liệu phục vụ phân tích rủi ro và tính kết nối, quan hệ của thông tin, dữ liệu cũng như công tác áp dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phù hợp với yêu cầu QLRR trong quản lý thuế và nhu cầu khai thác dữ liệu lớn của ngành.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2025, ban hành kèm theo Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý thuế đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ”.

Chia sẻ về mục tiêu, nhiệm vụ của việc xây dựng CSDL lớn (Big data) phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc QLRR tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý NSNN năm 2023, với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, được tổ chức tháng 9 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã có trao đổi một số thông tin.

Đó là: từ các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, triển khai ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý thuế; trên cơ sở đánh giá hiện trạng CSDL, hạ tầng, hệ thống ứng dụng, nhân lực của ngành Thuế Việt Nam, để xây dựng Big data phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc QLRR đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo phương pháp mới dựa trên nền tảng công nghệ mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Việc xây dựng một CSDL thông tin QLRR tổng thể, toàn diện trên nền tảng dữ liệu lớn với các công cụ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của công nghệ, do đó đáp ứng yêu cầu quản lý thuế toàn diện trên cơ sở phân tích rủi ro và yêu cầu chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý.

Giám sát nguồn thu hiệu quả, giảm gian lận thuế

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, hệ thống phân tích dữ liệu và QLRR sẽ góp phần giúp ngành Thuế thay đổi phương thức quản lý. Áp dụng QLRR trong quản lý thuế là phương pháp quản lý thuế hiện đại nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch; giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của cán bộ thuế, cơ quan thuế vào việc quyết định các biện pháp đối với NNT.

Việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế là xu thế tất yếu khách quan và phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế. Việc áp dụng QLRR đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế, đồng thời góp phần phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời và hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Còn đối với NNT, hệ thống phân tích dữ liệu và QLRR đảm bảo tính công bằng và minh bạch tốt hơn trong hoạt động quản lý về thuế. Do đó, NNT được đối xử công bằng trong trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, trong lĩnh vực quản lý thuế, hệ thống dữ liệu được số hóa cho phép các cơ quan nhà nước có khả năng quản lý số lượng lớn hơn các thủ tục hành chính. Hệ thống dữ liệu lớn các thủ tục hành chính được cập nhật, rà soát, phân hệ một cách logic giúp doanh nghiệp (DN), NNT dễ dàng truy cập, sử dụng, tra cứu thực hiện các thủ tục về thuế một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác.

Việc số hóa cho phép quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân, DN trong lĩnh vực thuế được diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, thay vì phải đến trụ sở các cơ quan thuế. Trong đó, việc xây dựng CSDL, công cụ phân tích dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong công tác huy động và quản lý nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, DN, cũng như quản lý, giám sát nguồn thu hiệu quả, giảm gian lận thuế.

“Đồng thời, xây dựng hệ thống CSDL lớn là một công cụ phân tích quan trọng trong xây dựng chính sách thu hợp lý, đảm bảo nguồn thu bền vững cho phát triển đất nước. Hệ thống dữ liệu số hiện đại giúp NNT có cơ hội kiểm tra, tra hỏi, trích soát các khoản thuế đã nộp cũng như các khoản thuế đến hạn phải nộp...” - ông Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nâng cao quản trị nhờ hóa đơn điện tử

“Chuyển đổi số đem lại hiệu quả chung cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử như chương trình hóa đơn điện tử đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao công tác quản trị, đồng thời tạo lập một thị trường cung cấp giải pháp truyền nhận, giải pháp về phần mềm kế toán; tăng cường công tác quản lý, giảm gian lận thương mại, gian lận về hoàn thuế…” Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh