Bài 3: Kiểm soát chặt từ khâu đăng ký kinh doanh Cải cách hệ thống thuế hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế 106 nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng

PV: Mỗi ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 78) thì số hàng hóa nêu trên không phải chịu thuế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Được: Đúng là mỗi đơn hàng giá trị nhỏ từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng nhưng trung bình mỗi ngày theo báo cáo có khoảng 5 triệu đơn hàng do đó mỗi ngày trung bình có khoảng 900 tỷ đồng giá trị giao dịch và mỗi năm khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế nhập khẩu và thuế khác cụ thể là thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu.

Từ số liệu nêu trên và tùy theo loại hàng hóa và mức thuế suất áp dụng nhưng giả sử thuế nhập khẩu 5% và thuế GTGT 10% thì số thuế nhập khẩu và GTGT nhập khẩu thất thu lần lượt là 16.425 tỷ đồng và 34.492 tỷ đồng tổng thất thu thuế khoảng 50.917 tỷ đồng.

Áp thuế hàng giá trị nhỏ đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách
Ông Nguyễn Văn Được

Thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với Khoản 4.13 cam kết tại Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan ngày 26/6/1999, yêu cầu pháp luật của các quốc gia phải quy định giá trị hoặc mức thuế tối thiểu của hàng hóa nhập khẩu không thu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét quy định này cho phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các hình kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thuận tiện cho người nộp thuế (NNT) và tiết giảm chi phí xã hội, nâng hiệu quả kinh tế.

PV: Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia thuế đề xuất cần bãi bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh nhằm tạo sự công bằng với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng các phương thức khác. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi tán thành và đồng tình với các đại biểu Quốc hội, chuyên gia về yêu cầu phải đảm bảo sự công bằng, bình đẳng nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng là nguyên tắc chung của pháp luật thuế. Do đó, cần phải điều chỉnh quy định này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Áp thuế hàng giá trị nhỏ đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách

Áp thuế hàng giá trị nhỏ đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước. Ảnh: TL

Tuy nhiên, việc bãi bỏ quy định này cần phải cân nhắc cẩn trọng sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế cụ thể tại Khoản 4.13 Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc trong xây dựng pháp luật thuế là thu thuế phải tương xứng với chi phí hành thu và chi phí xã hội đồng thời cần áp dụng nguyên tắc “trọng yếu” đối với các giao dịch nhỏ, lẻ, phát sinh không thường xuyên để toại thuận lợi cho NNT và giảm chi phí xã hội.

Theo đó, chính sách này có thể vẫn được áp dụng nhưng với giá trị nhỏ hơn và thu hẹp đối tượng được ưu đãi chính sách này. Chính phủ cần cân nhắc lại mức giá trị hàng hóa được miễn và các đối tượng, trường hợp được miễn cần được rà soát và điều chỉnh.

PV: Hiện nay, các quốc gia trên thế giới áp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được: Từ ngày 1/1/2021, Liên minh châu Âu quy định miễn thuế cho các đơn hàng bán trong tất cả các nước thuộc thành viên Liên minh châu Âu có tổng giá trị dưới 10.000 EUR trong năm, nếu tổng giá trị vượt mức 10.000 EUR thì chịu thuế GTGT tối thiểu là 15% tùy theo từng quốc gia.

Đồng thời, Liên minh châu Âu cũng quy định ngưỡng không chịu thuế cho 1 đơn hàng có giá trị từ 150 EUR trở xuống đối với các quốc gia khác không thuộc thành viên của Liên minh châu Âu bán hàng vào Liên minh châu Âu.

Từ ngày 1/12/2019, New Zealand cũng áp dụng không thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.000 NZD.

Tuy nhiên, nếu các nhà cung cấp bán trực tiếp cho người tiêu dùng có tổng giá trị từ 60.000 NZD trở lên trong 12 tháng thì phải chịu thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) 15%. Chính sách cũng được Na Uy áp dụng với tổng giá trị hàng hóa từ 50.000 NOK.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc và Singapore đều thu thuế GTGT và GST đối với tất cả các hàng hóa không phân biệt giá trị đơn hàng.

PV: Với tình hình thực tế hiện nay, theo ông, để tạo công bằng, bình đẳng đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ và hàng hoá sản xuất trong nước, đồng thời chống thất thu ngân sách và phù hợp với cam kết quốc tế, giải pháp cần thực hiện là gì?

Ông Nguyễn Văn Được: Với tình hình hiện nay, theo tôi Chính phủ cần nghiên cứu và điều chỉnh Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng:

Thứ nhất, có thể giảm giá trị của đơn hàng được miễn thuế thay vì quy định 1 triệu đồng như hiện này. Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến tăng các thủ tục hành chính và tăng chi phí xã hội với khối lượng đơn hàng khá lớn nhưng giá trị nhỏ. Vì vậy, cần phải có các cơ chế quản lý hải quan đảm bảo đơn giản, thuận lợi cho cả NNT và cơ quan hải quan.

Theo ước tính, với hàng triệu đơn hàng trong một ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không thu được thuế.

Thứ hai, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, New Zealand và Na Uy, Việt Nam cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế, theo đó: Cần quy định đối tượng được miễn thuế đối với những đơn hàng giá trị nhỏ nếu hàng hóa nhập khẩu và người nhập khẩu được thực hiện đồng thời, trường hợp này áp dụng cho người tiêu dùng nhập khẩu trực tiếp.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có giá trị nhỏ nhưng bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại Việt Nam có tổng giá trị nhất định trong một kỳ, nếu vượt ngưỡng quy định này thì không được miễn thuế. Thông thường một kỳ là quý hoặc 1 năm hoặc tính liên tục trong vòng 12 tháng.

Trên cơ sở đó, khi Chính phủ nghiên cứu và điều chỉnh thu hẹp đối tượng miễn thuế và xây dựng ngưỡng tổng giao dịch trong của các đơn hàng giá, kỳ được miễn thuế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng và hạn chế thất thu ngân sách nhà nước trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế đồng thời tạo sự thuận tiện cho NNT cũng như không làm gia tăng áp lực cho công tác quản lý hải quan và thu nộp thuế.

PV: Xin cảm ơn ông!