Cải cách hệ thống thuế hướng đến quản lý bằng điện tử Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030: Hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế |
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Quyết định số 508/QĐ-TTg đặt mục tiêu hệ thống chính sách thuế của Việt Nam sẽ được hoàn thiện một cách đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chủ trì hội nghị đánh giá giữa kỳ triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Ảnh: TCT |
Với mục tiêu hoàn thiện đồng bộ các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu như thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Để triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 theo Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp theo từng giai đoạn 5 năm và hàng năm nhằm cải cách toàn diện công tác quản lý thuế.
Đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thuế báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TCT |
Trên cơ sở bám sát chiến lược, chương trình hành động kế hoạch 5 năm, Tổng cục Thuế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý thuế trung hạn 2023 -2025 thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 theo Quyết định số 218/QĐ-TCT ngày 22/3/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế với các nội dung cải cách trọng tâm trên các lĩnh vực then chốt của công tác quản lý thuế đảm bảo xuyên suốt, thống nhất và tuân thủ theo định hướng mục tiêu, quan điểm, nội dung giải pháp đã đề ra.
Để thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đạt hiệu quả cao, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn năm 2023 - 2024 để từ đó đưa ra nhiệm vụ trọng tâm cải cách quản lý thuế trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Tổng cục trưởng đề nghị Ban Cải cách và Hiện đại hóa - là đơn vị chủ trì triển khai tổng hợp toàn bộ ý kiến và các đề xuất giải pháp bổ sung (nếu có) của các đơn vị nghiệp vụ, đồng thời có làm việc với từng đơn vị để đánh giá và cụ thể hóa từng mục tiêu theo chiến lược để báo cáo Tổng cục xem xét, quyết định.
“Những đánh giá và phương án được đề xuất thực hiện kế hoạch cần phải thực chất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó phải đặc biệt lưu ý trên cơ sở mục tiêu kế hoạch tổng thể, các đơn vị nghiệp vụ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai các giải pháp chuyển đổi số toàn diện trong quản lý thuế đã được đề cập trong kế hoạch để tạo điều kiện tối đa hỗ trợ cho người nộp thuế và phục vụ công tác quản lý thuế hiệu quả” - Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành lưu ý.
Tại hội nghị, đại diện Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, trong mỗi lĩnh vực, về các mục tiêu trọng tâm cụ thể có so sánh về mức độ đạt được và chưa đạt được với mục tiêu đã đề ra; về các nội dung cải cách có so sánh kết quả triển khai theo các mức độ, gồm: hoàn thành; hoàn thành theo tiến độ; chưa hoàn thành; chưa triển khai theo kế hoạch.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thuế đã đưa ra những đánh giá, nhận định lại kết quả triển khai chiến lược của đơn vị mình chủ trì thực hiện, đồng thời đưa ra những đề xuất giải pháp, kế hoạch triển khai bổ sung thêm vào công tác triển khai mục tiêu cải cách thuộc phạm vi đơn vị quản lý theo đúng gợi ý của lãnh đạo Tổng cục./.
Chiến lược, chương trình hành động và kế hoạch cải cách quản lý thuế:Công tác cải cách thể chế; Đổi mới và tăng cường năng lực công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; Đổi mới và tăng cường năng lực công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thống kê thuế và chế độ kế toán thuế’ Đổi mới và tăng cường: năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế; năng lực công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tố tụng về thuế; năng lực công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngoài ra, đổi mới về công tác: quản lý thuế quốc tế; cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành Thuế. Đồng thời, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế; Công tác hiện đại hoá cơ sở vật chất, hành chính và tài chính; Công tác hiện đại hóa công tác dự báo thu ngân sách nhà nước. |