Ba trụ cột để Cần Thơ phát huy vai trò, vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Một góc trung tâm TP. Cần Thơ. Ảnh: KT

Phát triển chưa tương xứng

Chia sẻ về vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong liên kết phát triển vùng, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2020 và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh nhiều thành tựu quan trọng, TP. Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, bước phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa xây dựng các trung tâm liên kết sản xuất của vùng; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ… đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TP. Cần Thơ và toàn vùng ĐBSCL.

TP. Cần Thơ xem đây là những điểm nghẽn cần sớm giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới với nhiều giải pháp trọng tâm, cụ thể.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, để phát huy vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng, thời gian tới TP. Cần Thơ xác định ba trụ cột quan trọng, đó là: Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; phát huy nội lực riêng có của Cần Thơ và tăng cường liên kết để cùng phát triển.

Theo đó, vấn đề cần phải sớm triển khai thực hiện là đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt là tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - TP. Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc - TP. Cần Thơ - Sóc Trăng).

Ba trụ cột để Cần Thơ phát huy vai trò, vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường tại lễ công bố quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV

3 trụ cột chính

Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, trước mắt, TP.Cần Thơ ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL tại thành phố; ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ; đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (Khu Công nghiệp VSIP; Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc), phát triển trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại Cần Thơ; phát triển khu năng lượng điện Ô Môn phù hợp quy hoạch năng lượng quốc gia.

Trụ cột thứ hai, theo ông Trường là phải phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của TP. Cần Thơ là vị trí trung tâm của ĐBSCL, do vậy Cần Thơ phải là trung tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; với hệ thống các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề để cung ứng nguồn nhân lực cho thành phố và các tỉnh ĐBSCL; xây dựng người Cần Thơ "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch".

Theo đó, để thực hiện tốt trụ cột này, Cần Thơ phải đặc biệt chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vấn đề đặc biệt quan trọng mà theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường là phải tăng cường liên kết các địa phương vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khác trong cả nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm của TP. Cần Thơ, bên cạnh 2 trụ cột trên Cần Thơ và các địa phương trong vùng phải tăng cường liên kết, phối hợp, nhất là TP. Hồ Chí Minh để khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Do vậy, việc liên kết chặt chẽ và hiệu quả sẽ thu hút nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt kêu gọi đầu tư vào các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên ngành,… đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và vùng ĐBSCL./.

TP. Cần Thơ đặt mục tiêu xây dựng khu công nghệ cao của thành phố theo định hướng trở thành khu công nghệ cao quốc gia; phát triển nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là dịch vụ logistics; xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ, trung tâm thương mại lớn, hiện đại; trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế cấp vùng.