Tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2022 của tỉnh là trên 6.890,8 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2022, tỉnh Bắc Ninh giải ngân đạt 15,2% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 15,47% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 12,66% kế hoạch; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân. Đây là tỷ lệ thấp so với mặt bằng chung của cả nước hiện nay.

Bắc Ninh: Làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu công còn chậm
Bắc Ninh giải ngân vốn đầu công còn chậm. Ảnh minh họa

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, điển hình là các dự án có quy mô liên kết vùng.

Cụ thể, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên vùng, phải qua nhiều bước lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án. Đơn cử như dự án cầu Kênh Vàng kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh- Hải Dương có quy mô thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, nhưng trước khi triển khai dự án phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thoả thuận, cấp phép theo quy định của Luật Đê điều…

Ngoài ra, còn các nguyên nhân như năm 2022 mới là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021). Do vậy, trong năm nay, địa phương mới bắt đầu khởi công nhiều dự án. Trong khi theo quy định của Luật Xây dựng, các quy định của pháp luật liên quan, dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, các thủ tục về đấu thầu...

Việc khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tặng mạnh, vướng mắc giải phóng mặt bằng... cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh bị chậm.

Lý giải về nguyên nhân nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân, báo cáo từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, do một số dự án đã kết thúc hiệp định hoặc sắp kết thúc hiệp định đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian. Đồng thời, các dự án ODA cũng đang gặp vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu do nhà tài trợ nước ngoài chậm phản hồi ý kiến...

Tuy nhiên, theo báo cáo từ UBND tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải ngân chậm tại địa phương là do công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự tập trung, quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế. Thậm chí, có tình trạng một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu yếu kém về năng lực, chuyên môn; kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh...