Mặc dù không có chức năng cho vay nhưng ông Trần Quí Thanh vẫn cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai vay dưới hình thức phải chuyển nhượng cổ phần các dự án. Khi vay, ông Thanh ép nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh phải chơi "Theo luật của Thanh" hay "Tao có tiền thì tao có quyền" và cuối cùng là chiếm lấy dự án.

Bài 1: “Luật ngầm” cho vay rồi chiếm đoạt dự án từ tay Kim Oanh Group của ông chủ Tân Hiệp Phát
Chủ tịch Tân Hiệp Phát và 2 con gái bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 767 tỷ đồng. Ảnh: Tư liệu.

Phải chơi theo "Luật của Thanh"

Kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy, năm 2019, Công ty Kim Oanh Đồng Nai cần vay vốn để tiếp tục đầu tư các dự án của công ty và thanh toán số tiền mua Dự án Minh Thành năm 2017 của vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh, bà Hồ Thị Diễm Trang (Chủ tịch Hội đồng quản trị và cổ đông của Công ty Minh Thành Đồng Nai).

Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến 767 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Kim Oanh đã nhờ vợ chồng ông Minh, bà Trang cung cấp các thủ tục hồ sơ pháp lý của Dự án Minh Thành giúp bà Oanh liên hệ vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB) nhưng không vay được.

Vào đầu tháng 11/2019, thông qua môi giới, bà Oanh gặp ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), tại trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tại đây, bà Oanh trình bày và mong muốn vay tiền. Bà Oanh cho hay, Dự án Minh Thành đã mua được 50% cổ phần và còn thiếu tiền để trả nốt 50% cổ phần còn lại và vay tiền để công ty hoạt động.

Đồng thời, bà Oanh đưa hồ sơ 2 dự án Minh Thành và Nhơn Thành cho ông Thanh xem và nói cần vay khoảng 500 tỷ đồng. Sau khi xem hồ sơ 2 dự án, ông Thanh đồng ý cho bà Oanh vay 500 tỷ đồng, với điều kiện phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần 2 dự án trên (một kiểu đặt thế chấp vay - PV).

Cụ thể, bà Oanh phải chuyển 50% cổ phần Dự án Minh Thành cho Phương (con gái ông Thanh), với giá 235 tỷ đồng và các cổ đông còn lại chuyển nhượng 50% cổ phần cho Bích (con gái của ông Thanh) và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản TCS của bên gia đình ông Thanh với giá 265 tỷ đồng (trả trước 115 tỷ đồng, sau này đền bù sẽ trả đủ).

Ông Thanh thông báo với bà Oanh lãi suất vay tiền là 3%/tháng, trả trước 3 tháng. Trong thời gian 9 tháng, nếu trả đầy đủ tiền gốc, lãi đúng thời hạn đặt cọc theo cam kết thì sẽ bán lại, trả lại 2 dự án. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi thì mất dự án.

Thấy phương án chuyển nhượng 2 dự án mang nhiều tính rủi ro nên bà Oanh đề nghị ông Thanh xem xét có phương thức cho vay khác thuận lợi hơn không. Song, ông Thanh khẳng định: Công ty Tân Hiệp Phát không có chức năng cho vay và cũng không kinh doanh nghề này (nghề chính là bán nước giải khát), nên mọi hợp đồng không được thể hiện việc cho vay.

Bà Oanh tiếp tục nài nỉ để xin ông Thanh ký hợp đồng cho vay tiền mà không theo cách trên, nhưng không được đồng ý.

“Tui không phải ngân hàng, không ký hợp đồng vay, hàng tháng cứ lên đóng lãi đều thì cho chuộc lại tài sản. Bà cứ vậy đi, tui vẫn làm với những người khác như thế. Không có tiền thì tui cho gia hạn. Đây là cuộc chơi của Thanh, phải chơi theo luật của Thanh ” - ông Thanh nói.

Bài 1: “Luật ngầm” cho vay rồi chiếm đoạt dự án từ tay Kim Oanh Group của ông chủ Tân Hiệp Phát
Bà Đặng Thị Kim Oanh là doanh nhân sở hữu nhiều công ty bất động sản cùng quỹ đất khủng khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kỳ Phương

"Tao có tiền, tao có quyền"

Theo kết luận của Bộ Công an, những cuộc gặp sau đó, bà Oanh cùng nhân viên phải nhiều lần báo cáo về tình trạng pháp lý, chủ trương đầu tư, chi tiết xây dựng, quy hoạch… với phía Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ông Thanh đồng ý cho nữ đại gia vay 500 tỷ đồng.

"Trong thời gian 9 tháng nếu trả đầy đủ tiền gốc, lãi đúng thời hạn đặt cọc theo cam kết mua lại thì tui trả 2 dự án cho bà" - ông chủ Tân Hiệp Phát hứa.

Tuy nhiên, do thấy phương thức phía Tân Hiệp Phát đưa ra quá rủi ro, bà Oanh đề nghị hai bên soạn hợp đồng thế chấp khoản cho vay bằng tài sản là hai dự án. Thế nhưng, ông Thanh từ chối vì "quy trình cho vay này đã được nghiên cứu chặt chẽ và được áp dụng nhiều lần".

"Nếu quý vị không vay thì thôi, chấm dứt tại đây. Năm nay tui cho vay như thế này cỡ hơn 4.000 tỷ đồng, với hơn chục dự án rồi" - ông Thanh khẳng định.

Sau khi tham vấn ý kiến của 2 luật sư, bà Oanh vẫn thấy "luật chơi" ông Thanh đưa ra nhiều rủi ro. "Hai dự án của em trị giá 1.200 tỷ đồng, vay chỉ được có 500 tỷ đồng mà phải ký chuyển nhượng cho anh thì khó cho em quá" - bà Oanh năn nỉ và đề nghị được ký hợp đồng vay tiền.

Tuy nhiên, ông Thanh lớn tiếng: "Tao có tiền, tao có quyền. Nếu không đồng ý giao dịch theo yêu cầu của tao thì về" - kết luận nêu.

Do không tìm được nguồn tài chính khác, bà Oanh đồng ý vay 500 tỷ đồng với phương thức nêu trên, cùng cách nghĩ "tin tưởng vào uy tín và lời nói của anh". Toàn bộ con dấu, hồ sơ tài liệu liên quan dự án được bàn giao cho con gái của ông Thanh.

Ngay sau khi nhận được số tiền vay, ông Thanh yêu cầu bà chủ Kim Oanh Group phải thanh toán ngay tiền lãi 3 tháng đầu là 31,5 tỷ đồng.

Sau khi trả lãi lần 1, bà Oanh gặp ông Thanh để hỏi về việc trả nợ gốc, nợ lãi và nhận lại dự án. Ông Thanh lại tiếp tục đưa ra "luật chơi" chia thành từng giai đoạn. Theo đó, nếu trong vòng 12 tháng nếu mua lại 100% Công ty Minh Thành (trước ngày 13/2/2020) thì giá bán là 350 tỷ đồng.

Ông Thanh đưa ra giá bán lại dự án sẽ tăng lên theo thời gian, mức cao nhất nếu mua lại trước ngày 13/8/2020 thì lên đến 444,5 tỷ đồng. Bên vay cũng phải chịu toàn bộ thuế, phí liên quan chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 12/5/2020, khi đến hạn trả lãi lần 3 thì nhóm bà Oanh mang tiền đến đến trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát (chậm một ngày so với hợp đồng vì quên). Tuy nhiên, khi bà Oanh mang tiền đến thì ông Thanh không gặp với lý do bận và không đồng ý nhận số tiền lãi 31,5 tỷ đồng.

(Còn nữa...)