Bài 1: Trái ngọt từ những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại

Đúng thời điểm

Khung pháp lý là nền tảng cho tạo thuận lợi thương mại. Theo đánh giá từ Tổng cục Hải quan, trong 5 năm triển khai, Dự án TFP đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng, sửa đổi 43 văn bản chính sách pháp luật, trong đó có 37 văn bản đã ban hành liên quan lĩnh vực thương mại; tổ chức 61 hoạt động đào tạo cho hơn 3.000 người thuộc cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân; tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp (DN), với 3.622 người thuộc khu vực tư nhân đã tham dự các hoạt động đào tạo và tham vấn; thu thập 9.000 câu trả lời khảo sát về mức độ hài lòng của DN trên toàn quốc để hỗ trợ đẩy mạnh cải cách.

Với những giải pháp đã triển khai, Việt Nam đang đi đúng hướng để hoàn thành trước thời hạn các cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - TFA). Theo đó, Dự án TFP đã hỗ trợ Hải quan Việt Nam thực hiện 20/24 điều khoản của Hiệp định WTO - TFA và dự kiến sẽ tuân thủ 100% cam kết vào cuối năm 2024.

Ông Kim Long Biên - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết: Những kết quả nói trên đã giúp cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được thực hiện một cách hiệu quả, thống nhất. Để vượt qua được những khó khăn trong quá trình sửa đổi, bổ sung cải cách về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo diễn ra xuyên suốt được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ngoài ra, sự gắn kết với thực tiễn để mang lại kết quả cao đã cho thấy tính chủ động từ đơn vị các cấp và sự gắn kết của các đơn vị địa phương là vô cùng quan trọng.

Xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn

"Dự án TFP đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư. Điều này ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại phục hồi hậu Covid-19 và sẽ thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định WTO - TFA mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên. Bằng sự nỗ lực cải cách tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại trong 5 năm qua, Dự án TFP đã hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và các cơ quan Chính phủ khác đạt được những thành tựu không nhỏ. Kết quả cho thấy, quá trình triển khai dự án đã hài hòa và đơn giản hóa các chính sách và thủ tục giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, tăng cường sự phối kết hợp giữa cấp trung ương và địa phương về các chiến lược tạo thuận lợi thương mại; tăng cường việc triển khai và phối hợp giữa ít nhất 5 địa phương cũng như hoạt động nâng cao năng lực cho công chức hải quan tại địa phương; cải thiện quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp" - ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án TFP cho biết.

Đặc biệt, sự tin tưởng, trách nhiệm, tham gia vào quá trình thực hiện không chỉ là các đơn vị thuộc các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của cộng đồng DN - đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính từ việc xây dựng, ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Dự án TFP ngoài việc giúp cơ quan hải quan đúng thời điểm để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, hoàn thiện các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho thương mại còn giúp cộng đồng DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển trong kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành

Kiểm tra chuyên ngành là một thủ tục xuất nhập khẩu cần thiết để đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành có thể làm thời gian thông quan ở cửa khẩu kéo dài, gây chậm trễ cho hoạt động giao thương quốc tế và tăng thêm chi phí cho DN. Nguyên nhân là do một số hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, ngành.

Khi bắt tay triển khai, mục tiêu tạo sự đột phá cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được đặt ra với tham vọng hướng đến sự kết nối chia sẻ dữ liệu với các bộ quản lý chuyên ngành trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Trong đó bao gồm cả thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan.

Kể từ năm 2018, Dự án TFP và Tổng cục Hải quan đã tiến hành 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành, quy tụ đại diện của các cơ quan hải quan, các bộ, ngành và khu vực tư nhân để đề xuất các cải cách cần thiết. Kết quả, sau 5 năm, số lượng mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành đã giảm 15% và tỷ lệ lô hàng nhập khẩu cần kiểm tra chuyên ngành đã giảm tới 6%.

Để củng cố những cải cách này, dự án cũng hỗ trợ xây dựng những nghị quyết hàng năm của Chính phủ, những biện pháp cải cách môi trường kinh doanh đề ra trong các nghị quyết đó đã có tác dụng rõ rệt, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho thương mại, tiết kiệm cho DN cả thời gian và tiền bạc.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm 1 nửa (từ 103,68 giờ xuống 54,8 giờ đối với hàng nhập khẩu và từ 95,78 giờ xuống 38,4 giờ đối với hàng xuất khẩu). Chi phí của DN để hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm từ 569 USD xuống 313 USD (đối với hàng nhập khẩu) và từ 420 USD xuống 338 USD (đối với hàng xuất khẩu). Xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.

Nâng cao năng lực cán bộ là điều kiện quyết định mang lại hiệu quả tối ưu

Mặc dù cải cách pháp lý là nền tảng tạo thuận lợi thương mại, song, cải cách này sẽ có tác động hạn chế nếu chưa được thực hiện hiệu quả. Để đảm bảo cơ quan hải quan và khu vực tư nhân có đủ kiến thức và kỹ năng để hưởng lợi đầy đủ từ những cải cách mà rất khó mới đạt được, Dự án TFP đã lồng ghép khía cạnh nâng cao năng lực trong tất cả các hoạt động của mình.

Sự hỗ trợ của dự án với Trường Hải quan Việt Nam là rất quan trọng. Trường đã xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến, cho phép đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực công và tư trong đào tạo liên quan đến hải quan và thương mại. Việc áp dụng các công nghệ giảng dạy, học tập của trường đang giúp xây dựng năng lực cho nhiều cán bộ lãnh đạo và công chức hải quan. Đồng thời, góp phần giúp trường củng cố vị thế của mình là một động lực chính cho cải cách và hiện đại hóa.

Cho đến nay, dự án đã tổ chức 61 sự kiện tư vấn, đào tạo cho 2.031 cán bộ hải quan cùng các đơn vị của Chính phủ và 3.622 người đến từ khu vực tư nhân.

Theo bà Vũ Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam, cải cách phải bắt nguồn từ con người và công tác đào tạo nguồn nhân lực là điều kiện quyết định mang lại hiệu quả tối ưu. Sự hỗ trợ tích cực của dự án như trang bị hệ thống phần mềm, cập nhật kiến thức, hướng dẫn cách thức số hóa bài giảng lên hệ thống... đã giúp cho ngành Hải quan có hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ đắc lực cho cán bộ công chức hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.