Bài 2: Âm mưu cùng một kịch bản cho nhiều bị hại
Chủ tịch Tân Hiệp Phát - Trần Quí Thanh và hai con gái. Ảnh: Tư liệu

Đã nhận tiền nhưng… trả lại

Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, bà Oanh gọi điện nhưng Phú (người môi giới vay tiền cho bà Oanh với ông Thanh) không nghe máy. Sau nhiều lần gọi điện, Phú liên hệ và nói bà Oanh chuẩn bị tiền gấp đôi rồi sẽ báo lại cho ông Thanh. Tuy nhiên, sau đó, Phú lại điện thoại cho bà Oanh để thông báo ông Thanh không đồng ý gặp.

Đến ngày 27/5/2020, ông Thanh mới đồng ý gặp bà Oanh. Bà Oanh đi cùng luật sư đến trụ sở Tân Hiệp Phát. Trước khi gặp, ông Thanh bảo Phú thu hết điện thoại để khỏi ghi âm.

Tại cuộc gặp mặt, ông Thanh thông báo bà Oanh đã vi phạm thời hạn nộp tiền lãi, vi phạm điều khoản cam kết bán lại nên không mua lại được dự án nữa. Bà Oanh xin trả nợ lãi. Ông Thanh đưa ra phương án, bà Oanh muốn tiếp tục nộp tiền lãi thì phải nộp phạt thêm 35 tỷ đồng, bà Oanh đồng ý.

Bước ngoặt xảy ra khi vào đầu tháng 7/2020, nhiều nhà đầu tư muốn mua dự án Minh Thành Đồng Nai với giá 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó ông Minh, bà Trang chưa được bà Oanh thanh toán 150 tỷ đồng còn lại.

Ngày 9/7/2020, vợ chồng ông Minh, bà Trang ký đơn xin cứu xét gửi bà Phương, bà Bích, Công ty TCS cùng Hội đồng quản trị Công ty Minh Thành Đồng Nai để trình bày việc chưa nhận được số tiền 150 tỷ đồng, theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Hiện Dự án Minh Thành đã có đối tác muốn mua giá 1.200 tỷ đồng.

Dự án có nhiều công sức của vợ chồng ông Minh, bà Trang nên đề nghị xem xét tăng mức tiền trả cho ông Minh, bà Trang lên 300 tỷ đồng. Nhưng bà Phương, bà Bích không có ý kiến phản hồi.

Kế tiếp, bà Trang nhiều lần gặp, nhắn tin, gửi email trao đổi với bà Oanh về việc Công ty Novaland đề nghị mua lại dự án với giá 1.300 tỷ đồng; Công ty AMI đề nghị mua với giá 1.000 tỷ đồng. Nhưng bà Oanh không đồng ý bán và muốn trả hết tiền vay cho ông Thanh để Công ty Kim Oanh tiếp tục triển khai dự án.

Do thời điểm này, giá trị dự án Minh Thành tăng giá lên nhiều lần so với khoản tiền 350 tỷ đồng mà ông Trần Quí Thanh và 2 con gái cho bà Oanh vay nên ông Thanh đã chỉ đạo Phú gọi điện cho ông Minh, bà Trang lên Tân Hiệp Phát làm việc.

Trước khi thanh toán khoản tiền 350 tỷ đồng thì Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh Đồng Nai đã ký công văn gửi bà Bích, bà Phương, Công ty TCS, trong đó có nội dung chỉ định Nguyễn Thị Ánh là người nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty Minh Thành Đồng Nai.

Sau đó, Công ty Kim Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bà Bích, bà Phương, Công ty TCS theo cam kết; đồng thời gửi văn bản đề nghị đối tác có văn bản xác nhận đã nhận đủ số tiền 500 tỷ đồng theo cam kết bán lại 2 dự án.

Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phía Kim Oanh thanh toán số tiền 500 tỷ đồng, đề nghị đối tác ký kết các văn bản và bàn giao các hồ sơ theo thỏa thuận cam kết bán lại.

Ngày 12/8/2020, bà Phương đã ký giấy xác nhận về việc nhận tiền cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai, với nội dung “Trong tài khoản của tôi tại PVcombank, chi nhánh Sài Gòn đã có số tiền là 350 tỷ đồng”.

Sau một công đoạn lòng vòng, phía Tân Hiệp Phát tiến hành “lật mặt”, đến ngày 17/8/2020, Trần Uyên Phương đã chuyển hoàn lại 350 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Ánh (người của Công ty Kim Oanh đã thực hiện chuyển thanh toán cho Phương trước đó), với lý do không biết Ánh là ai.

Bài 2: Âm mưu cùng một kịch bản cho nhiều bị hại
Trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Tư liệu.

Cùng một thủ đoạn với nhiều “con mồi”

Thấy sự việc có chiều hướng có thể mất luôn các dự án, ngày 21/9/2020, bà Oanh nhắn cho bà Phương đề nghị được gặp mặt ông Thanh và vợ chồng ông bà Minh, Trang để lấy lại dự án nhưng bà Phương không phản hồi.

Đến ngày 28/10/2020, bà Oanh cùng Ánh (con gái) và một số nhân viên đến trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát gặp Trần Uyên Phương quỳ lạy, van xin cho chuộc lại dự án nhưng bà Phương từ chối nên sau đó bà Oanh có đơn tố cáo Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích lừa đảo chiếm đoạt Dự án Minh Thành Đồng Nai.

Còn đối với Dự án Nhơn Thành, sau hình thức chuyển lòng vòng và cố tình tìm ra cách để không cho phía Kim Oanh mua lại như Dự án Minh Thành, bà Bích sau khi nhận được tiền thì đòi trả lại và cũng không phản hồi thông tin.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Hội đồng Định giá tài sản tỉnh Đồng Nai cho kết quả, tại thời điểm 26/8/2020, Dự án Nhơn Thành có giá là hơn 567 tỷ đồng.

Cần nói thêm, số tiền 150 tỷ đồng của bà Oanh chuyển cho bà Bích thông qua Công ty Nhơn Thành để thanh lý nhận lại dự án Nhơn Thành, Bích vẫn đang nắm giữ.

Ngày 16/10/2020, bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh, đã gửi đơn tố giác đến Cơ quan Điều tra tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là bà Bích và bà Phương đã câu kết với các đối tượng khác thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cưỡng đoạt tài sản.

Kết luận điều tra chỉ ra, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã lợi dụng quy định về cho vay, lấy lãi suất 3% một tháng (36% một năm) - tức vượt quá quy định của Bộ Luật Dân sự (không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay), nhưng không vi phạm pháp luật hình sự (cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần 100%/năm sẽ phạm vào tội cho vay lãi nặng).

Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần thực tế.

Khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Dù bên vay trả đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận, ông Thanh đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản".

Ngoài vụ án lừa đảo của bà Oanh, ông Thanh cùng hai con gái còn bị cáo buộc gây ra 3 vụ chiếm đoạt tài sản khác với cùng một thủ đoạn như trên.

Cụ thể, từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019, ông Thanh và "cò" - người chuyên giúp ông Thanh cho vay lãi, đã cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Theo thỏa thuận, ông Chung phải làm thủ tục chuyển nhượng cho phía ông Thanh 29 thửa đất có giá trị 48 tỷ đồng tại 230 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

Tháng 3/2019, khi ông Chung đề nghị trả 35 tỷ đồng tiền gốc trước thời hạn 16 ngày thì ông Thanh yêu cầu phải nộp thêm 14 tỷ đồng mà không có lý do. Bởi không nộp được thêm tiền nên Chung bị nhóm ông Thanh chiếm đoạt 29 thửa đất có giá trị 83 tỷ đồng. Trừ đi 35 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh và đồng phạm bị cáo buộc đã chiếm đoạt 48 tỷ đồng của ông Chung.

Tương tự, ông Thanh cùng hai con gái bị cáo buộc đã chiếm đoạt 4 thửa đất tại xã Hiệp Phụng, huyện Bình Chánh, TP. Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng có giá trị 195 tỷ đồng. Trừ đi 115 tỷ đồng tiền gốc đã giải ngân, ông Thanh và đồng phạm bị cáo buộc đã chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Trong vụ thứ 4, nhóm ông Thanh chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh có giá trị 118 tỷ đồng của anh Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh và đồng phạm bị cáo buộc đã chiếm đoạt của anh Đông 38 tỷ đồng.