8

Các chính sách đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương đã hỗ trợ kịp thời, kết nối chuỗi cung ứng – lưu thông nên việc tiêu thụ lúa gạo đã thông suốt trở lại.

Chính sách kịp thời

Thông tin chung những ngày gần đây cho thấy, giá lúa tươi thu mua tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng nhẹ trở lại do các chuỗi lưu thông đang dần được kết nối trở lại. Trước đó, thời gian đầu giãn cách xã hội, tình trạng dồn ứ nơi thừa nơi thiếu có lúc xảy ra cục bộ do khó khăn trong việc vận chuyển. Nông dân đến mùa thu hoạch nhưng khó tiêu thụ, trong khi những vùng dịch bệnh vẫn rất cần nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt trong giai đoạn bị cách ly, phong tỏa.

Trong bối cảnh vừa qua, các chính sách đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương đã hỗ trợ kịp thời, kết nối chuỗi cung ứng – lưu thông – tiêu thụ lúa gạo thông suốt trở lại. Điều này đã giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp tiếp tục vận hành hoạt động, hỗ trợ nguồn cung ứng lương thực cho người dân khó khăn tại các tỉnh, thành phố đang bị giãn cách để phòng chống dịch.

Cảnh giác với rủi ro nợ xấu gia tăng


Ông Rahul Kitchlu - quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa.
Trong Báo cáo tháng 8 về kinh tế Việt Nam, World Bank cũng khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng Covid-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cũng cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là cần quan tâm đến nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.

Ngay khi xảy ra tình trạng ách tắc khâu lưu thông lúa, gạo tại đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương thực hiện ngay các giải pháp tín dụng để hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo.

Theo đó, các ngân hàng thương mại được yêu cầu phải chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo… Các thương nhân cũng được tạo điều kiện về vốn vay để nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Cùng với giải pháp tín dụng hỗ trợ thu mua lúa gạo, Chính phủ đã kịp thời thực hiện cấp xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các khu vực khó khăn do Covid-19. Việc cấp xuất gạo dự trữ quốc gia được coi là giải pháp có nhiều lợi ích, vừa giải quyết nhanh nhu cầu lương thực cho người dân những vùng khó khăn do dịch bệnh, vừa giúp nông dân sản xuất gạo yên tâm thu hoạch trong mùa vụ mới.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng đã có các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa, các thiết bị công cụ thu hoạch, sản phẩm nông sản…

Sẽ tiếp tục có những giải pháp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính, cho biết, các giải pháp vừa qua trong việc hỗ trợ chuỗi lưu thông lúa gạo cho thấy sự vào cuộc rất kịp thời về mặt chính sách. Giải pháp đưa ra cũng rất đúng đắn, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan ban, ngành từ cấp trung ương đến cấp địa phương.

Bên cạnh những giải pháp có tính thích ứng vừa được thực thi, các giải pháp có tính đồng bộ hơn nữa sẽ tiếp tục được Chính phủ nghiên cứu xem xét đưa ra trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao soạn thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, riêng vấn đề ổn định chuỗi cung ứng – lưu thông – tiêu thụ lúa gạo nói riêng và các loại hàng hóa khác là một trong những nội dung được cơ quan soạn thảo quan tâm khi xây dựng nghị quyết.

Đặc biệt, dự thảo có đề cập nội dung liên quan đến các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính sách tín dụng cũng hướng tới việc tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến các chính sách giãn, giảm thuế, lệ phí và tiền thuê đất. Phần giải pháp đẩy mạnh lưu thông được dự thảo đề cập là hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khâu lưu thông hàng hóa, bao gồm cả các các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Về phía các địa phương, dự thảo nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ cho các địa phương tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống đại dịch Covid-19.

7 khuyến nghị để giải bài toán khó về tăng trưởng


PGS. TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm nay, Chính phủ vẫn đề ra mục tiêu kép, chống dịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần tập trung ưu tiên hơn cho mục tiêu chống dịch.

Ông Thành cho biết, nếu để dịch bệnh lan rộng có thể ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế, làm sụt giảm những thành tựu hồi phục đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, 7 khuyến nghị cần quan tâm để giải bài toán khó cho tăng trưởng kinh tế năm nay.

Thứ nhất, Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết, kịp thời để kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19. Đó là đẩy nhanh chương trình tiêm vắc-xin, đi kèm là các biện pháp gia tăng sự đồng lòng và ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Tiếp đó, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ là một động lực quan trọng cho tăng trưởng trong giai đoạn đầu tư khu vực tư nhân còn rất khó khăn.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch. Việc này sẽ tạo độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Thứ tư, dòng tiền cần hướng vào khu vực sản xuất thực, kiểm soát cung tiền nhưng cho phép nới lỏng tín dụng hơn ở các ngân hàng thương mại đảm bảo các điều kiện về an toàn. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.

Giải pháp tiếp theo là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch cần được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Việc chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ có thể dựa trên một số tiêu chí như tính lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác; khả năng tạo công ăn việc làm; khả năng phục hồi sau đại dịch...

Thứ sáu, cần giảm thiểu các thủ tục đối với doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điển hình là yêu cầu phải chứng minh tài chính chi tiết, chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.

Cuối cùng, cần thực hiện những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ số. Nhờ đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Chí Tín