Tư vấn khúc mắc cho lao động nữ

So với lao động nam thì lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn khi vừa phải làm việc, vừa chăm lo gia đình, mang thai, sinh con, nuôi con. Do đó, pháp luật về lao động, việc làm và cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn dành ra những điều khoản quy định riêng đối với lao động nữ. Luật Lao động 2019 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng, được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản, được hưởng BHXH chế độ thai sản, được đảm bảo việc làm sau thai sản…

Nữ lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam yên tâm làm việc vì công ty luôn nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội. Ảnh: DŨNG NGỌC
Nữ lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam yên tâm làm việc vì công ty luôn nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Dũng Ngọc

Đối với Luật BHXH, hiện nay có quy định về chế độ hưởng BHXH trong thời gian nghỉ thai sản. Theo quy định Luật BHXH năm 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Luật BHXH 2014 cũng quy định: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày.

Người lao động nói chung, đặc biệt là lao động nữ, khi tham gia BHXH, ngoài hưởng chế độ ốm đau còn được hưởng chế độ khi con ốm đau. Cụ thể, theo Điều 27 Luật BHXH 2014, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong 1 năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi…

Lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, theo Luật BHXH năm 2014, thì cần có đủ điều kiện:

Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.

Để giúp người lao động, đặc biệt là nữ lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), mới đây, BHXH thành phố đã tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với lao động nữ. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, người lao động, đơn vị sử dụng lao động. Đa số các câu hỏi liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, chăm con ốm, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ… Nhiều nữ lao động, cán bộ làm về BHXH được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp cụ thể, rõ ràng, nhờ đó, việc chấp hành pháp luật về BHXH thuận lợi hơn.

Người lao động yên tâm làm việc

Là công ty chuyên về sản xuất hàng hóa, với quy mô hơn 8.000 lao động, 70% lao động là nữ, Công ty TNHH Canon Việt Nam luôn coi trọng, tìm cách đảm bảo tốt nhất về thu nhập cũng như quyền lợi cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ, trong đó có quyền lợi về BHXH, BHYT. NLĐ của công ty đều được ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, BHTN. Hiện mỗi năm công ty chuyển đóng hơn 190 tỷ đồng cho cơ quan BHXH để thực hiện trách nhiệm cho NLĐ. Năm 2022 có 12.000 lượt NLĐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, BHYT. Quyền lợi về an sinh xã hội được đảm bảo, nên NLĐ rất an tâm làm việc và gắn bó với công ty.

Không phải lao động nữ nào cũng hiểu được quyền lợi của mình

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã quy định rõ, tuy nhiên, không phải lao động nữ nào cũng hiểu được quyền lợi của mình. Do đó, có tình trạng người lao động khi sinh con, do không đủ thời gian tham gia BHXH 6 tháng trở lên nên không được hưởng BHXH, hoặc người nhà nữ lao động khi làm hồ sơ hưởng thai sản mới “tá hỏa” khi cơ quan công tác nợ BHXH, phải quay về yêu cầu cơ quan nộp BHXH cho người lao động thì mới được hưởng trợ cấp thai sản.

Là người gắn bó với công ty hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên phòng lắp ráp cho biết: “Ban giám đốc công ty rất coi trọng bảo đảm quyền lợi, cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Đặc biệt, các chế độ như lương, BHXH, BHYT, BHTN luôn được công ty thực hiện rất nghiêm túc, nên NLĐ rất an tâm. Tôi đã sinh con, thủ tục thai sản được công ty phối hợp với cơ quan BHXH giải quyết nhanh chóng, nên trong thời gian nghỉ thai sản, tôi có nguồn tài chính để nuôi con và an dưỡng”.

Bà Đào Thị Thu Huyền - Phó giám đốc Bộ phận Đối ngoại và Trách nhiệm xã hội cho biết, trong thực hiện, tuân thủ chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, công ty luôn nhận được hỗ trợ nhiệt tình và rất kịp thời từ phía BHXH TP. Hà Nội trong xử lý các tình huống liên quan chính sách BHXH, BHYT cho doanh nghiệp.

“Sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan BHXH đã giúp giải quyết các chế độ cho NLĐ được rốt ráo, kịp thời và chu đáo; chính sách BHXH, BHYT, BHTN là những yếu tố rất quan trọng, góp phần đảm bảo quan hệ lao động trong công ty được ổn định, hài hòa” - bà Huyền khẳng định.

Cũng theo bà Huyền, cơ quan BHXH đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN. Đây là một sự hỗ trợ rất có ý nghĩa, kịp thời, đã giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều. Phía doanh nghiệp đã được hỗ trợ giảm mức đóng và tiết kiệm được nhiều chi phí.

Đề xuất nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội lên 500.000 đồng/người/tháng

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH được nâng từ 360.000 đồng/người/tháng hiện hành lên 500.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của pháp luật BHYT. Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức 10 triệu đồng. Chính phủ quy định việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng và trợ cấp mai táng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước.

Đánh giá tác động của việc sửa đổi Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo cho rằng, theo đề xuất trong dự thảo, mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH được nâng từ

360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng, thì khoản kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Số này chưa bao gồm kinh phí phát sinh khi mua thẻ BHYT, việc gia tăng đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng năm, việc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trong trường hợp thực hiện điều chỉnh như đối với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng như hiện hành.

Cũng tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất, đối với người đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng BHXH, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/tháng.