CKThanh khoản duy trì lớn

Với ba phiên giảm liên tục ở chỉ số VN30-Index, khá nhiều cổ phiếu blue-chips cũng có hình mẫu tương tự, nghĩa là nhà đầu tư mua T+3 bị lỗ nhiều hơn. Do đó áp lực bán cắt lỗ đã tăng vọt.

Cả phiên sáng đến đầu phiên chiều, thị trường chìm trong một đợt bán mạnh liên tục. VN-Index được VHM và VPB neo giữ buổi sáng nên giảm ít, nhưng cổ phiếu giảm trên 1% là phổ biến. Đến đầu phiên chiều, lực bán còn mạnh hơn, đẩy chỉ số này sụt giảm 1,21% so với tham chiếu. Rất nhiều cổ phiếu sụt giảm mạnh, khiến lòng tham nổi lên.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện ở thời điểm thị trường giảm mạnh nhất đã nhanh chóng kiềm chế được đà giảm. Không có gì bất ngờ, những cổ phiếu mạnh nhất được mua tốt nhất và phục hồi rất nhanh; VHM quay đầu đi lên liên tục và đóng cửa thành tăng 2,56%, VPB tăng 2,75%, SSI tăng 2,25%, GVR tăng 1,46%, FPT tăng 1,28%...

Thực ra mức tăng so với tham chiếu không phản ánh đúng độ nảy của giá cổ phiếu nhờ lực cầu bắt đáy. Nhiều cổ phiếu lúc đóng cửa tăng không nhiều, nhưng biên độ phục hồi rất mạnh. Ví dụ ACB chốt phiên tăng 0,14% so với tham chiếu, nhưng nếu nhà đầu tư nào dũng cảm bắt đáy lúc 1h30, có thể đạt lợi nhuận hơn 3%. MWG chốt tăng 0,59% nhưng hồi từ đáy khoảng 2,15%. Đây mới là biên lợi nhuận hấp dẫn các nhà đầu tư lướt sóng trong ngày, vì nắm giữ qua dịp cuối tuần vẫn có rủi ro.

Dòng tiền bắt đáy góp phần duy trì thanh khoản khá cao hôm nay. Sàn HoSE đạt mức khớp lệnh gần 22.984 tỷ đồng, tăng 6,3% so với hôm qua. Đây là ngưỡng giao dịch cao thứ hai trong tuần này, sau phiên 24.609 tỷ đồng hôm 11/8. Lượng cổ phiếu khổng lồ này phải đến thứ Hai tuần tới mới có thể giao dịch được.

Thanh khoản tăng đi kèm với diễn biến phục hồi về cuối phiên có thể xem là một tín hiệu tốt, nhưng yếu tố hỗ trợ từ mã trụ vẫn rất nổi bật. VHM, VPB, GVR là 3 cổ phiếu gánh hết điểm số cho VN-Index. Trong khi VN-Index tăng tròn 4 điểm hôm nay thì 3 mã nói trên đem lại 4,4 điểm.

Dòng tiền mang tính quyết định

Thanh khoản bình quân tuần này duy trì ngưỡng 27.718 tỷ đồng/ngày ở sàn HoSE và tính chung hai sàn khoảng 25.700 tỷ đồng/ngày. Đây đang là mức giao dịch bình quân tuần cao nhất kể từ đầu tháng 7.

Nếu chú ý thì đầu tháng 7 cũng là lúc thị trường bắt đầu "đổ đèo". Tuy nhiên hiện VN-Index vẫn thấp hơn khoảng 4,5% so với đỉnh tháng 7. Điều này có nghĩa là thị trường càng tiến gần đỉnh cũ, càng có nhiều nhà đầu tư muốn thoát ra vì bớt lỗ.

Do đó khả năng duy trì thanh khoản là yếu tố quyết định lúc này. Cần thấy rằng cổ phiếu phục hồi khác nhau, không đồng nhất với VN-Index. Do đó VN-Index tiến gần đến đỉnh cũ nhưng nhiều cổ phiếu còn kém rất xa. Ví dụ rổ VN30 vẫn còn 19 mã đang thấp hơn đỉnh tháng 7 hơn 5%.

Dòng tiền duy trì được mạnh cũng là yếu tố phản ánh tâm lý chung của nhà đầu tư còn tích cực. Bối cảnh hiện tại khác khá xa tháng 7, khi kết quả kinh doanh đã xong từ lâu, yếu tố dịch bệnh vẫn đang bất định, cộng với tính mùa vụ của thị trường trong “tháng cô hồn”. Trong quá khứ bình thường thì tháng 8, tháng 9 có thanh khoản thấp, thị trường ít biến động. Nếu thị trường lình xình giảm và thanh khoản èo uột thì cũng là lẽ thường. Ngược lại, hiện thanh khoản đang duy trì rất cao, tức là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn còn nhiều.

Đây là điều cần để giữ thị trường ổn định, chứ chưa nói đến tăng vượt đỉnh lịch sử. Mức tăng hiện tại bắt đầu có những tín hiệu khó khăn khi chững lại tuần này. Dù vài phiên giảm không hẳn là nguy hiểm, nhưng ít nhất cũng thể hiện nhà đầu tư có xu hướng chốt lời mạnh hơn ở giai đoạn nảy lên cao.

chứng khoán 13-8

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

22.984 tỷ đồng (+6%)

718,7 triệu (0%)

3.629 tỷ đồng (+10%)

152,2 triệu (+2%)

Khánh Nhi