bị cáo kiên

Bị cáo Kiên tại phiên tòa phúc thẩm.

Song, có vẻ như HĐXX càng thẩm vấn, vụ việc càng trở nên rối rắm trong mớ bòng bong bởi những kẽ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự tự tin phản bác từng luận điểm buộc tội của bị cáo Kiên...

Kinh doanh vàng hợp pháp?

Theo cáo buộc của các cơ quan tư pháp và bản án sơ thẩm, bầu Kiên với tư cách là đại diện pháp nhân của Công ty Thiên Nam phải chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp này kinh doanh vàng trái phép ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, từ ngày 5/12/2009 đến 28/4/2010 với số lượng giao dịch 462.500 Ounce, 75.000 lượng vàng SJC, tổng giá trị lên tới hơn 11.777 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Kiên đã đưa ra các lập luận, lý giải một cách rành mạch để phản bác cáo buộc trên.

“Công ty Thiên Nam là công ty duy nhất được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép thành lập với 3 chức năng. Tôi sẽ chứng minh với HĐXX là Công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh vàng hay không!” - bầu Kiên tự tin khai.

Bầu Kiên lập luận: “Tòa sơ thẩm cho rằng Thiên Nam kinh doanh vàng là trái phép. Song, Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh hàng hóa. Vậy vàng có phải hàng hóa không? Tòa có thể tham khảo định nghĩa về hàng hóa, theo định nghĩa về hàng hóa thì vàng cũng là một dạng hàng hóa. Vậy nên Thiên Nam được phép kinh doanh tất cả các loại hàng hóa, trong đó có vàng. Khi kinh doanh hàng hóa hay vàng, Thiên Nam chỉ phải tuân thủ các quy định quy phạm pháp luật tại thời điểm đó...”.

Trước câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc lý giải thế nào về hành vi kinh doanh vàng trái phép ngoài lãnh thổ Việt Nam, bầu Kiên tiếp tục khẳng định không phạm tội như cáo buộc, bởi Công ty Thiên Nam chưa bao giờ kinh doanh vàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

“Thiên Nam không kinh doanh trên tài khoản ở nước ngoài. Hợp đồng ký với ACB không có điều khoản nào về vấn đề này mà chỉ giao dịch trên các tài khoản trong nước mở tại ACB...” - bầu Kiên khẳng định.

Đầu tư khác với kinh doanh?

Các cơ quan tư pháp cho rằng 5 công ty của bầu Kiên đều đã có hành vi mua bán, giao dịch trong lĩnh vực tài chính dù không được phép. Cụ thể, Công ty B&B do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT từ ngày 4/9/2009 đến ngày 31/3/2011 đã sử dụng số tiền hơn 2.348 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào các công ty khác. Công ty AFG theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên từ ngày 15/3/2007 đến ngày 16/6/2009 đã sử dụng số tiền 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Á châu và góp vốn vào các công ty khác là Công ty ACI, Công ty ACI-HN và Công ty ACBI.

Bản án sơ thẩm còn khẳng định, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 26/6/2012, Công ty ACBI đã thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techcombank, Eximbank, với tổng số tiền là hơn 1.433 tỷ đồng. Công ty ACI cũng đã thực hiện việc kinh doanh trái phép trong lĩnh vực tài chính.

Cụ thể, từ ngày 16/5/2008 đến ngày 26/8/2010, Công ty ACI đã dùng số tiền hơn 451 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty CP đầu tư & thương mại Nhà Rồng, Công ty CP dịch vụ hàng hóa Sài Gòn và Công ty Sabeco. Các cơ quan tư pháp còn cho rằng, từ ngày 22/12/2008 đến 11/6/2011, Công ty ACI-HN cũng đã dùng số tiền hơn 1.411 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Ngân hàng Á châu, DaiAbank, Vietbank, KienLongbaank và Eximbank.

Tuy nhiên, tại Tòa, bị cáo Kiên cho rằng, cấp sơ thẩm đã sai lầm nghiêm trọng khi đánh đồng hai khái niệm là "kinh doanh" và "góp vốn đầu tư". Bị cáo Kiên đề nghị Tòa xem xét định nghĩa về kinh doanh và góp vốn đầu tư được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

“Góp vốn đầu tư không phải là trực tiếp sản xuất và lưu thông hàng hóa nên không thể coi các công ty của tôi là kinh doanh trái phép trong lĩnh vực tài chính. Góp vốn đầu tư khác với kinh doanh, Luật Doanh nghiệp đã định nghĩa rất rõ về hai khái niệm này rồi. Song, cấp sơ thẩm đã phạm phải sai lầm khi trích dẫn luật. Tôi cho rằng cấp sơ thẩm đã cố tình sửa Luật Doanh nghiệp một cách trái phép...” - bị cáo Kiên tự bào chữa.

Để tự bào chữa, bị cáo Kiên còn xin phép HĐXX được ký một đơn bổ sung, thay thế đơn đã gửi trước đó tới Tòa. Vì theo bị cáo, đơn trước gửi tòa được viết trong tù nên có thể có nội dung chưa chính xác, chữ viết khó đọc. Lá đơn này được đánh máy cẩn thận và có chỉnh sửa một số nội dung trích dẫn.

Chiều nay, Tòa tiếp tục với nội dung thẩm vấn các bị cáo./.

Luận Danh