Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho biết, các biện pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ trong thời gian qua là rất tích cực. Trong đó, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chủ động điều chỉnh lãi suất tương đối phù hợp với hoàn cảnh kinh tế từng giai đoạn. Điều này cũng thể hiện trong thực tế là lạm phát cũng ở mức rất vừa phải, là cơ sở để chính sách tiền tệ có thể linh hoạt. Đi kèm với đó là tỷ giá của đồng Việt Nam cũng tương đối ổn định.

Biến động của tỷ giá từ nay tới cuối năm là không nhiều
Ảnh minh họa

Bình luận về chính sách tỷ giá hối đoái, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, xét về tỷ giá hối đoái với tiền đồng thì việc điều hành trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước là khá tốt.

“Dựa trên những phân tích hiện nay, tôi không nghĩ rằng sự biến động mạnh của đồng USD và EUR sẽ tác động đáng kể hay đồng Việt Nam sẽ phải giảm giá mạnh từ nay tới cuối năm 2023”- ông Shantanu Chakraborty cho biết.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là biện pháp điều hành chính sách tiền tệ thông thường. Khi lãi suất duy trì ở mức thấp thì thanh khoản trong thị trường sẽ ở mức cao nên việc phát hành tín phiếu để giảm bớt thanh khoản chung cũng là một biện pháp tích cực ở góc độ sẽ giảm đầu cơ và giảm áp lực lên lạm phát.

Về hệ quả lên tỷ giá của việc phát hành tín phiếu, ông Hùng cho biết, điều này chỉ là biến động trong ngắn hạn bởi khi thị trường có thông tin mới thường sẽ có những biến động.

Xét các yếu tố căn bản có thể thấy, đồng USD vẫn tăng theo xu hướng chung dù không tăng quá nhiều. Bên cạnh đó, không nhìn thấy biến động đột biến về cung - cầu ngoại tệ ở thị trường trong nước nên sự biến động tỷ giá thời gian vừa qua chỉ là phản ứng ngắn hạn của thị trường.

Bình luận thêm về chính sách tỷ giá, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, ở góc độ chính sách, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là linh hoạt, thể hiện ở nới lỏng biên độ và các biến động của thị trường vẫn ổn định, nằm trong biên độ đề ra từ trước.

Ở góc độ thị trường, bản chất tỷ giá là cung - cầu. Theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay thì việc giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cầu khi nhiều người không muốn giữ tiền đồng vì lãi suất thấp nên muốn đổi sang ngoại tệ khiến cầu ngoại tệ tăng lên.

Bên cạnh đó, các hoạt động xuất - nhập khẩu đang có những cải thiện tích cực nhưng không phải đột biến tới mức có cầu ngoại tệ ồ ạt ngay lập tức để gây ra biến động tỷ giá quá lớn. Vì thế, ở góc độ thị trường, những biến động liên quan đến thông tin mới như việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để giảm thanh khoản chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sau đó sẽ ổn định trở lại.

Theo Giám đốc ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty, lãi suất là một công cụ quan trọng mà Chính phủ có thể sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023. Việc giảm này là hiệu quả và chính sách tiền tệ thích ứng là một trong những yếu tố chính dẫn tới sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có rất nhiều cơn gió ngược bất lợi hiện nay.