Bình Dương: Thúc đẩy tăng trưởng xanh để thu hút nhà đầu tư
Một khu trung tâm thành phố mới tỉnh Bình Dương, quy hoạch phát triển xanh, thân thiện với môi trường. Ảnh: Sơn Nam

Hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Liên tiếp trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đang tích cực mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp theo mô hình xanh, thông minh, với sự chọn lọc kỹ lưỡng các dự án đầu tư để đảm bảo tính bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường. Các dự án ưu tiên sẽ tập trung vào sản xuất xanh, sử dụng nhiên liệu sạch và công nghệ cao.

Gần đây nhất, một trong những khu công nghiệp được nhiều người biết đến là khu công nghiệp VSIP 3, nằm tại thành phố Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, với quy mô khoảng 1.000 ha. Khu công nghiệp này hướng tới việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao và phát triển kinh tế xanh, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khu công nghiệp VSIP 3 kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm cho người lao động.

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, VSIP 3 đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều công ty, với 8 dự án đầu tư đã được cam kết, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1,6 tỷ USD. Trong số đó, dự án lớn nhất là của Tập đoàn Lego, với quy mô đầu tư 1,3 tỷ USD, cùng với nhà máy chế tác trang sức trị giá 150 triệu USD của thương hiệu Pandora.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương cũng đã xúc tiến khởi công xây dựng Cụm công nghiệp An Lập tại huyện Dầu Tiếng, với diện tích 75 ha và vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. Những động thái này cho thấy Bình Dương đang nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và tạo việc làm cho người lao động.

Việc triển khai kế hoạch sản xuất sạch hơn tại Bình Dương đã mang lại những hiệu quả tích cực và thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp trong tỉnh. Nhận thức về vai trò quan trọng của sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã chủ động tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh, từ đó từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Mới đây, đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được giao cho Tổng công ty Becamex IDC chủ trì nghiên cứu cùng các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch phát triển thành phố thông minh trên thế giới, áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương giai đoạn từ nay đến năm 2026 và những năm tiếp theo nêu rõ: Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được phê duyệt gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát, huyện Bàu Bàng. Trong đó, sử dụng Thành phố mới Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một là tâm điểm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp trong tương lai, cụ thể là khu công nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên tại Bàu Bàng.

Bình Dương: Thúc đẩy tăng trưởng xanh để thu hút nhà đầu tư
Ý tưởng xây dựng trung tâm thương mại quốc tế thông minh tại Bình Dương trong tương lai gần. Ảnh: KT

Theo đó, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đề án trong đề án TP. Thông minh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương. Mô hình này được đánh giá là hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương.

Cụ thể bao gồm các lớp: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 và Phát triển nguồn nhân lực. Mỗi lớp đóng vai trò riêng nhưng có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội.

Vùng đổi mới sáng tạo được xem là một bước phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh Bình Dương, đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc. Đó là việc chuyển dịch từ thu hút đầu tư thông thường sang thu hút đầu tư công nghệ cao, có giá trị gia tăng, nâng cao năng suất... Qua đó, nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế và tạo tiền đề để nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ phát triển vùng đổi mới sáng tạo, bao gồm: Về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Phát triển cân bằng nền kinh tế; Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, chính phủ số, thương mại điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh; Phát triển và thu hút nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, trung tâm đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình khuyến công, giúp các cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc và công nghệ hiện đại. Điều này đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu. Ngành Công thương cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình 5S, giúp tạo ra môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ và an toàn./.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó là phát triển xanh. Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.+