quặng sắt

Bộ Tài chính cho biết, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu quặng sắt xuống 5% của các doanh nghiệp là không phù hợp với Nghị quyết của UBTVQH. Ảnh TL minh họa.

>> Doanh nghiệp khai thác quặng sắt gặp khó

Văn bản của Bộ Tài chính được gửi tới 8 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long; Công ty CP Vương Anh; Công ty TNHH MTV Long Thành Trung; Công ty CP Hà Quang; Công ty Phát triển số 1 TNHH Một thành viên; Công ty CP phát triển đầu tư An Khánh; Công ty TNHH XD Lan Anh; Công ty CP Khai khoáng Minh Đức.

Không có căn cứ để giảm thuế

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu quặng sắt xuống 5% của các doanh nghiệp là không phù hợp với Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12.

Lý do, Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 22/11/2008 thì khung thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng quặng sắt là 15%-40%, không có mức thuế 5%. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt thực hiện theo mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện hành.

Hơn nữa, cũng theo Bộ Tài chính, tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, mặt hàng quặng sắt là mặt hàng thuộc diện cấm xuất khẩu.

Đồng thời, theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “không xuất khẩu quặng thô”.

Sẽ điều chỉnh quy định về phí bảo vệ môi trường

Đối với kiến nghị về thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính cho biết, Khoản 23 Điều 5 Luật thuế GTGT hợp nhất số 05/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 quy định “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Còn sản phẩm khoáng sản khai thác, chưa chế biến thành sản phẩm khác bán trong nước thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng là 10%.

Luật thuế GTGT không có quy định về miễn, giảm thuế giá trị gia tăng do đó kiến nghị giảm thuế của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt là không phù hợp với quy định của Luật thuế GTGT.

Cũng theo Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Dự kiến Nghị định số 74/2011/NĐ-CP sẽ được sửa đổi trong năm 2015.

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản dự kiến sửa đổi được tính theo “cấp độ gây ô nhiễm” trong quá trình khai thác, không căn cứ vào tình hình giá bán quặng sắt trên thị trường thế giới để điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Đối với thuế tài nguyên, Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành tại Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2014 đã điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với quặng sắt từ 10% lên 12%.

Việc điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với mặt hàng quặng sắt theo Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13, theo Bộ Tài chính, đã tính đến đảm bảo hiệu quả khai thác cũng như đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp./.

Hoàng Lâm