hải quan

Cán bộ hải quan tiếp nhận và giải quyết tờ khai nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Từ năm 2022 đảm bảo triển khai KTCN theo mô hình mới

Tại Quyết định 169/QĐ-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 18/2/2021) đặt mục tiêu phấn đấu từ năm 2022 triển khai hiệu quả mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nêu tại Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN). Chuẩn bị các giải pháp, hoạt động triển khai cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Cụ thể, theo các nội dung được Chính phủ đề ra tại Quyết định 38/QĐ-TTg, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của đề án.

Bộ Tài chính và các bộ, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu triển khai mô hình mới tại đề án, trong đó rà soát các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để xây dựng kế hoạch chi tiết về kinh phí và các tính năng cần nâng cấp, tận dụng tối đa các hệ thống hiện có để tránh đầu tư lãng phí.

Đồng thời, Bộ Tài chính, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực triển khai các giải pháp để tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.

Để đề án vận hành hiệu quả, trong quá trình triển khai đề án, Bộ Tài chính còn có trọng trách theo dõi tình hình và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg; định kỳ báo cáo hàng quý và kiến nghị Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.

Tập trung nâng cao năng lực của cơ quan hải quan

Để triển khai Đề án KTCN tại Quyết định 169/QĐ- BTC, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Hải quan nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan triển khai đôn đốc thực hiện kế hoạch; kịp thời báo cáo Bộ Tài chính hoặc tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tổng cục Hải quan còn được giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình, định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo và đề xuất giải pháp thực hiện cho giai đoạn hai năm 2024 -2026.

Đáng chú ý, tại Quyết định 169/QĐ- BTC, tạo tiền đề cơ sở triển khai đề án KTCN, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan tập trung vào việc xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lấy ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, kịp trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành dự kiến trong nửa đầu năm 2021.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, Tổng cục Hải quan chú trọng vào việc nâng cao nguồn lực của cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cơ cấu, củng cố, tổ chức lại nguồn nhân lực của cơ quan hải quan; xác định nhu cầu nhân lực, đào tạo cán bộ tại các đơn vị thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định hải quan đảm bảo năng lực làm công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu đáp ứng yêu cầu phát triển theo Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Chuẩn bị các giải pháp, hoạt động triển khai cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan./.

Ngọc Linh