Bộ Tài chính: Chuyển đổi vị trí công tác nâng cao hiệu quả thực thi công vụ
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Thực hiện nghiêm việc luân chuyển cán bộ

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thực sự phát huy hiệu quả trong toàn ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng và thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Trong quý I/2024, toàn ngành tài chính đã tiến hành kiểm tra 140 cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả hầu hết cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: thuế; hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các đơn vị trong ngành để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vẫn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật như: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…

Đặc biệt, theo ông Trường, nhằm PCTN, TC triệt để, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, trong quý I/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.163 người (trong đó, Tổng cục Hải quan 241 người; Tổng cục Thuế 738 người; Kho bạc Nhà nước 184 người…). “Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị thực hiện theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình” - ông Trường cho biết.

Kiểm tra, giám sát người đứng đầu

10 lĩnh vực công chức tài chính ở địa phương phải chuyển đổi vị trí công tác

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, TC, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, Bộ Tài chính đã đưa ra các nhiệm vụ, phương hướng cho thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PCTN. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Đặc biệt, theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, thời gian tới, toàn ngành Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ.

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ;

Kịp thời biểu dương, khen thưởng người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định của Đảng đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra

Trong quý I/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; kiến nghị xử lý tài chính trên 14.630 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN gần 2.602 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.