Tuần lễ Vàng - con số của lòng dân

Lịch sử Bộ Tài chính bắt đầu từ những con số. Con số mà không ít các bậc lão thành hay nói đến đấy là số tiền mà ngân khố Quốc gia có được trong ngày đầu thành lập. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngân quỹ quốc gia chỉ còn vẻn vẹn 1.250.000 đồng Đông Dương, trong đó có 580.000 đồng tiền hào nát chờ tiêu hủy.

Nhu cầu chi tiêu cho những nhiệm vụ trên vô cùng to lớn nhưng ngân quỹ lại rất eo hẹp. Biện pháp tài chính đầu tiên của Chính phủ là ra Quốc lệnh số 4 ngày 4/9/1945 lập “Quỹ Độc lập”, trên tinh thần lấy dân làm gốc, dựa vào dân, vì lợi ích của dân. Tại khoản thứ nhất Quốc lệnh ghi rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật nhân dân sẵn lòng giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia”. Đồng thời cử ông Đỗ Đình Thiện (một nhà tư sản yêu nước sau này là thư ký riêng của Hồ Chủ tịch trong chuyến thăm Pháp nửa cuối năm 1946) làm phụ trách tại Quỹ Trung ương ở Hà Nội.

Bộ Tài chính khởi đầu gian khó và bài học lòng dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh: TL

Trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập, ngày 19/9/1945, “Tuần lễ Vàng” đã được phát động trong cả nước. Nhân dịp này, trong bức thư gửi đồng bào, Hồ Chủ tịch đã viết: “Tuần lễ Vàng sẽ thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc khẩn cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng.

“Tuần lễ Vàng” sẽ để cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thể thế giới biết rằng trong lúc chiến sỹ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có cũng có thể hy sinh đưa chút vàng để phụng sự Tổ quốc. Như thế “Tuần lễ Vàng” không những có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng, nó còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng…”.

Theo mạch nguồn ấy, nhiều hình thức đóng góp tự nguyện khác như: “Hũ gạo nuôi quân”, “Quỹ mùa đông binh sỹ”, “Bán thóc khao quân”, “Giúp binh sỹ bị nạn”, “Giúp đồng bào tản cư”, “Quỹ bình dân học vụ”, “Đón thương binh về làng”, “Đỡ đầu bộ đội”… ra đời.

Cải cách chế độ thuế khóa Vì dân

Ngay khi vừa mới thành lập, nhằm thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố miễn giảm những thứ thuế bất hợp lý do chế độ thực dân đặt ra, tiến tới ban hành các chính sách thuế mới công bằng, hợp lý thay thế những thứ thuế hiện hành.

Để thống nhất trong công tác quản lý tài chính, Chính phủ quy định nguyên tắc mỗi khi bãi bỏ một sắc thuế cũ hay đặt ra một thứ thuế mới, đều phải có sắc lệnh ấn định. Và chỉ 5 ngày sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Sắc lệnh số 11 ngày 7/9/1945 được công bố đã bãi bỏ thuế thân, với sự khẳng định thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái với tinh thần chính thể dân chủ cộng hòa nên bị bãi bỏ.

Bộ Tài chính khởi đầu gian khó và bài học lòng dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ trong phiên họp bàn về tình hình kinh tế - tài chính.

Tiếp sau đó, ngày 27/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh quyết định bãi bỏ các hạng thuế môn bài thấp (dưới 50 đồng/năm). Đối với các hộ nộp thuế môn bài cao hơn cũng được bỏ phần phụ thu nộp cho ngân sách các cấp nhằm giảm nhẹ mức đóng góp của các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Chính phủ đã đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện bãi bỏ các loại tạp thuế cũ, không phù hợp: thuế chợ, thuế đò, thuế xe đạp, xe tay, xe bò, xe ba gác… nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông. Tiếp tục soát lại các thuế cũ của chế độ thực dân, Chính phủ bãi bỏ thuế thổ trạch đánh vào nhà ở, xưởng, kho chứa ở ngoài phạm vi thành phố; thuế tem thư và đơn xin học hoặc đơn xin đi thi; thuế xe đạp cũng được Bộ Tài chính tuyên bố không thu và thuế đánh vào đường thủ công được tạm hoãn thi hành; thuế về thầu dầu, vừng, lạc, vỏ nhuộm cũng được bãi bỏ.

Tiếp sau đó, để phù hợp với tình hình thực tiễn, thuế điền thổ được Chính phủ điều chỉnh lại bằng hai thuế biểu, một cho Bắc Bộ với 3 hạng ruộng và một cho Trung Bộ, có phân biệt ruộng được hưởng và không được hưởng nước tưới của hệ thống nông giang. Việc miễn thuế cho những vùng bị lụt và những nơi Pháp chiếm đóng (Nam Trung Bộ) cũng được chính thức quy định.

Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ thu thuế, Sắc lệnh ngày 10/9/1945 của Chính phủ đặt ra Sở Thuế quan và thuế gián thu trực thuộc Bộ Tài chính và ngày ấy đã được lấy làm ngày Truyền thống ngành Thuế, ngành Hải quan sau này. Trước đó, ngày 29/5/1945 bằng Sắc lệnh số 75/SL cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính được điều chỉnh để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ. Theo đó, Nha Ngân khố được thành lập và ngày 29/5 được lấy làm ngày Truyền thống của Kho bạc nhà nước hiện nay.

Giấy bạc tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ

Ngày 31/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 18b/SL quyết định phát hành giấy bạc Việt Nam. Giấy bạc Việt Nam (còn gọi là đồng tiền Tài chính Việt Nam) phát hành trước tiên từ ngày 3/2/1946 tại các tỉnh Nam Trung bộ với sự hoan nghênh, ủng hộ của nhân dân.

Sự hồ hởi đón nhận “Giấy bạc Cụ Hồ” chính là phép thử cao nhất của lòng dân với cách mạng, với nền tài chính tiền tệ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 23/11/1946, tại kỳ họp Quốc hội khóa I đã quyết định cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc. Chưa đầy một năm sau, ngày 19/12/1946 trước dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Trong hành trình 78 năm qua, suốt chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Tài chính Việt Nam không ngừng phấn đấu xây dựng một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho các cuộc kháng chiến thắng lợi, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc./.