Bộ Tài chính tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm

Rà soát chi phí bao gồm cả chi phí cho kênh phân phối

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý tài chính, nâng cao tính an toàn hệ thống và thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành, trên cơ sở báo cáo nghiệp vụ năm 2022, báo cáo nhanh về tình hình tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ thực hiện một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, về công tác quản lý tài chính, cơ quan quản lý đề nghị các DNBH nhân thọ rà soát, tăng cường công tác quản lý chi phí, trong đó có chi phí dành cho kênh phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn tài chính của DNBH; đồng thời, rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư tại các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao và thực hiện hoạt động đầu tư đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, an toàn, hiệu quả, thanh khoản.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về hoạt động nghiệp vụ, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, cục đề nghị DNBH tăng cường rà soát, đẩy mạnh chất lượng thẩm định và nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm và chất lượng chăm sóc khách hàng. Cùng với đó, các DNBH hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách quản trị rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, quy trình nghiệp vụ đảm bảo tuân thủ quy định, tại Thông tư 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm soát hoạt động
Cơ quan quản lý đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng và đại lý tổ chức khác. Ảnh: Duy Dũng.

Về hoạt động quản lý đại lý, cơ quan quản lý đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng và đại lý tổ chức khác đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm hoặc hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trái với quy định pháp luật.

Trường hợp nhân viên ngân hàng, tư vấn viên của công ty vi phạm việc thực hiện các nguyên tắc và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm phải được xử lý nghiêm. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Điều 27 Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/6/2018.

“Đề nghị các DNBH chủ động rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện vi phạm (nếu có), DNBH có phương án và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, báo cáo Bộ Tài chính” – văn bản của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu.

Nhiều chỉ đạo để tăng chất lượng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng

Được biết, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã có nhiều công văn gửi các DNBH để tăng cường chất lượng hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Cụ thể, ngày 17/11/2020, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản số 14097/BTC-QLBH gửi các DNBH nhân thọ về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định pháp luật, phát triển lành mạnh, bền vững, hiệu quả.

Ngày 31/7/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản số 8533/BTC-QLBH về việc chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng gửi các DNBH và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động đại lý bảo hiểm khi nhận được phản ánh về việc các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Tiếp đó, ngày 5/8/2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có văn bản số 1243/QLBH-NT gửi các DNBH nhân thọ về việc hoạt động phân phối bảo hiểm qua tổ chức tín dụng khi nhận được phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về hiện tượng nhân viên của các tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm soát hoạt động
Năm 2023 sẽ thanh tra, kiểm tra cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Ảnh: Duy Dũng.

Mới đây nhất, ngày 20/2/2023, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản số 1541/BTC-VP chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm.

Chiều ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính cũng đã có thông cáo báo chí về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Theo thông tin từ cơ quan quản lý, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 DNBH và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả DNBH và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đường dây nóng của Bộ Tài chính để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp:

Email: [email protected]

Hotline: 024.22208018