>> Chống buôn lậu thuốc lá: Sẽ phải 'xử' cả đối tượng tiếp tay

Thuốc lá lậu giảm nhờ siết chặt quản lý

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, nếu như năm 2013, số thuốc lá nhập lậu là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần nội địa và gây thất thu ngân sách hơn 6 tỷ đồng thì năm 2014, thuốc lá lậu đã tăng lên 30 - 40% với hơn 1 tỷ bao, gây thất thu ngân sách hơn 9 tỷ đồng.

Trước thực trạng hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra ồ ạt và ngày càng phức tạp, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, ngày 30/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Theo đó, sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg (30/9/2014- 30/3/2015), cả nước đã triển khai 1.496 đợt tuyên truyền, tổ chức phổ biến pháp luật cho 33.314 tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức ký cam kết đến 36.728 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá; xây dựng 110.000 áp phích tuyên truyền tại các địa điểm công cộng...

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, 6 tháng sau khi thực hiện Chỉ thị số 30 đã bắt giữ trên 5.400 vụ, với gần 5,2 triệu bao thuốc lá lậu, khởi tố 108 vụ với 176 đối tượng, thu giữ trên 1.400 xe máy các loại, 22 xuồng cao tốc, 31 ô tô…

buon lau thuoc la

Sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, thuốc lá lậu trên thị trường đã giảm 2%. Ảnh: TL

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30, số vụ buôn lậu thuốc lá đã giảm đáng kể. Cụ thể, nếu như năm 2014, thuốc lá lậu chiếm khoảng 27% thị trường nội địa thì đến nay đã giảm 2%. Bên cạnh đó, lượng thuốc lá bán ra của các doanh nghiệp thuốc lá trong nước tăng trên 5%.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, một trong những điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30, lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện xử lý 175 vụ, thu giữ 60.706 bao thuốc lá lậu...

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, lượng thuốc lá lậu hiện cũng đã giảm 20% so với mức trước khi thực hiện Chỉ thị của Chính phủ.

Cần nâng cao chế tài xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 30 về đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá diễn ra ngày 21/5, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đánh giá, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá theo Chỉ thị 30 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như việc các địa phương vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt, thậm chí còn có một số biểu hiện bao che… Các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động và liều lĩnh, sử dụng thêm thủ đoạn chia nhỏ các lô hàng lậu và phân tán bằng các con đường khác nhau nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, theo BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh kiểm soát “đầu vào” tại các địa bàn trọng điểm, biên giới và “đầu ra” là các quầy bán buôn, bán lẻ... Theo nghiên cứu, nếu kiểm soát tốt việc bày bán công khai thuốc lá lậu thì lượng thuốc lậu bán trên thị trường sẽ giảm được 30-50%.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe và thất thu ngân sách nhà nước, vận động người Việt dùng hàng Việt.

Đặc biệt, theo ông Cường cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ, trong đó nâng cao chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu thuốc lá. Hiện nay quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Vì vậy, để “lách” quy định, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng, giao cho nhiều người vận chuyển, tàng trữ nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chỉ chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ. “Vì vậy, nên điều chỉnh truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe”, ông Cường kiến nghị./.

Linh - Nam