Lợi nhuận tăng mạnh

Mới đây, các doanh nghiệp phân bón công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, với nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý I của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (mã ck: DCM), doanh thu trong quý ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.885 tỷ đồng tăng 1,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn 6,7%, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận 382 tỷ đồng tăng 46,39% (so với cùng kỳ năm ngoái). Sau khi trừ đi chi phí, thuế, DCM ghi nhận lãi 349 tỷ đồng tăng 52,21%.

Các doanh nghiệp phân bón đồng loạt đón tin vui trong quý đầu năm 2024
Cửa sáng mở ra cho ngành phân bón trong quý đầu năm 2024. Ảnh: Petrovietnam.

Tương tự, Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (mã ck: LAS) công bố báo cáo tài chính quý I năm 2024, với lợi nhuận sau thuế quý này đạt 52,4 tỷ đồng tăng 58%. Theo lý giải của ban lãnh đạo LAS, quý này thị trường phân bón trong nước và thế giới biến động khó lường làm cho công ty gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mua nguyên vận liệu đầu vào, đặc biệt là quặng Apatits làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty.

Các công ty chứng khoán cho biết, tính đến hết quý I/2024, sự phục hồi và tăng trưởng đối với ngành phân bón, hóa chất tại Việt Nam cơ bản đã đúng như các dự báo. Theo đó, những căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, sự cố gián đoạn đường ống dẫn khí amoniac tại sân băng Bethpage và việc Nga, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón đã khiến giá phân bón tăng liên tục.

Tại Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (mã ck: DPM), trong quý I/2024, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.159 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế ghi nhận hơn 276 tỷ đồng, tăng 46,4%.

Tại Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang (mã ck: DGC), trong quý I/2024, doanh thu thuần của ở mức 1.618,6 tỷ đồng, lãi trước thuế 769,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và giảm 13%.

Tại Công ty DAP Vinachem (mã ck: DDV), trong quý đầu năm, DDV ghi nhận mức trưởng lợi nhuận cao khi lợi nhuận trước thuế quý I năm nay đạt 32,6 tỷ đồng, tăng hơn 45 lần so với cùng kỳ năm trước (gần 0,7 tỷ đồng). DDV cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ kỳ này ghi nhận 784,3 tỷ đồng, tăng 5%, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng. Cụ thể, sản lượng DAP tiêu thụ là 57.836 tấn, tăng 15,7%.

Trong quý I, Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (mã ck: DHB) cũng là doanh nghiệp thoát lỗ khi báo lãi 38,2 tỷ đồng. Tại quý I năm 2023, doanh nghiệp này lỗ 129,5 tỷ đồng.

Triển vọng phục hồi

Với kết quả hoạt động kinh doanh quý I đầy ấn tượng, ngành phân bón được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024.

Cụ thể, theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), 2024 sẽ là năm các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh trong doanh thu và lợi nhuận. Giá phân urê đã tăng trưởng 11% trong quý I vừa qua có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp lớn ngành phân đạm như DPM, DCM tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. MASVN dự báo doanh thu năm 2024 của DPM sẽ tăng 24%, lợi nhuận sau thuế tăng 169%, DCM doanh thu tăng 24% và lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón số lượng lớn khác, cũng sẽ hưởng lợi lớn do mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với phân bón DAP, NPK đã giảm xuống 0% từ 15/7/2023.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phân bón, hoá chất cũng đang đầu tư vào việc sản xuất nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng là mảng kinh doanh có nhiều hứa hẹn như DDV, DGC,… nhằm hướng tới việc tăng trưởng lợi nhuận 25% - 30% so với năm ngoái.

Cơ hội cho cổ phiếu phân bón

Bên cạnh kỳ vọng vào lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón phục hồi năm 2024, cổ phiếu ngân bón cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Các doanh nghiệp phân bón đồng loạt đón tin vui trong quý đầu năm 2024
Theo Công ty Chứng khoán VNSC, cổ phiếu ngành phân bón được xếp vào hàng ổn định cho nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ.

Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x. Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), với kỳ vọng về lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp phân bón, VCBS nhận định, trong các quý còn lại của năm 2024, nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất sẽ được giới phân tích khuyến nghị mua và nắm giữ. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phân bón, hóa chất chiếm thị phần lớn các loại phân ure, NPK, DAP như: DPM, DCM, BFC, LAS… có nhiều kỳ vọng tăng trưởng mức định giá cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x nhờ lợi nhuận tăng mạnh.

Trong dài hạn, việc ngành Nông nghiệp Việt Nam chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học sang hữu cơ (dự kiến đạt 25% vào năm 2025) sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp phân bón triển khai các chiến lược giảm phát thải khí carbon, đầu tư thương mại tín chỉ carbon. Từ đó duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ tăng giá cổ phiếu và mức định giá doanh nghiệp trên thị trường vốn.

Các công ty chứng khoán nhận định rằng, cổ phiếu và định giá các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất trong năm 2024 sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tăng cao đột biến. Theo lịch trình họp của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ được thảo luận tại cuộc họp thứ 7 vào tháng 5/2024 và có thể được bỏ phiếu thông qua tại cuộc họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Nếu luật này được thông qua, thì mặt hàng phân bón được phân vào nhóm chịu thuế GTGT 5%. Đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp sẽ được áp dụng hoàn 7 - 10% thuế đầu vào. Đây là động lực tăng trưởng đáng kể cho các doanh nghiệp phân bón lớn.