mì

Xu hướng tích trữ ngày càng tăng của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch khiến cho mì ăn liền được tiêu thụ mạnh.

Theo Nikkei Asian Review, ông Wei Hong-ming, Chủ tịch nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc Tingyi, đã ví doanh thu trong nửa đầu năm nay của công ty ông như được “trở lại vinh quang”. Và điều mang lại “vinh quang” cho công ty có trụ sở tại Hong Kong này chính là mảng kinh doanh mì ăn liền. Trong khi mảng đồ uống, bao gồm Pepsi-Cola, có doanh thu giảm 4,1%, thì mảng mì lại ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 29,2% và 93,7%.

Theo ông Wei, chìa khóa tạo nên thành công này là do nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Khi ngày càng có nhiều người ở nhà vì các quy tắc giãn cách xã hội, mì ăn liền đã tạo được sức hút mới ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Số lượng người đi lại giảm cho thấy tầm quan trọng của thị trường mì gói ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn. Cùng với đó, xu hướng tích trữ ngày càng tăng của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch và sở thích ăn uống tại nhà, cũng khiến doanh thu bán hàng tăng cao ”, ông Wei nói.

Uni-President China Holdings, một đối thủ của Tingyi tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng được hưởng lợi từ các biện pháp cách ly tại nhà trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19.

Chi nhánh tại Hong Kong của doanh nghiệp Uni-President là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu ở Trung Quốc đại lục. Mảng kinh doanh thực phẩm của công ty - cốt lõi là mì - đã tăng doanh thu 22% lên 5,21 tỷ nhân dân tệ, trong khi lợi nhuận trong mảng này tăng 30%, lên 448,09 triệu nhân dân tệ.

Người tiêu dùng đã có những kiến thức mới về sự an toàn và độ ngon của mì ăn liền, khiến ngành công nghiệp này chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, tương tự như Tingyi, mảng đồ uống của Uni-President tương đối bết bát, với doanh thu giảm 7,4% trong khi lợi nhuận chỉ tăng 2,1%”, ông Lo nói.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới. Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, đạt 41,45 tỷ gói vào năm ngoái, chiếm gần 40% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Không chỉ ở Trung Quốc, người châu Á nói chung cũng rất thích ăn mì gói. Nhiều quốc gia khác trong khu vực, như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, cũng lọt vào danh sách Top 10 quốc gia tiêu thụ mì gói lớn nhất.

Đối với Công ty Indofood CBP Sukses Makmur của Indonesia, kinh doanh mì ăn liền là động lực chính giúp doanh thu đạt tăng trưởng 4,1% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán mì ăn liền của hãng tăng 6,3% lên 1,05 tỷ USD, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện 1,1 điểm phần trăm, lên 22,6%, nhờ giá bán cao hơn và giá lúa mì giảm.

Hoạt động kinh doanh mì của công ty tập trung vào thương hiệu Indomie, được xuất khẩu ra cả các khu vực khác của châu Á và châu Phi.

Các nhà sản xuất mì nổi tiếng của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nissin Foods Holdings của Nhật Bản, chủ sở hữu của thương hiệu Cup Noodle, đã ghi nhận lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 6 cao hơn gấp đôi, tăng 114,2 triệu USD so với một năm trước đó.

Đối thủ của Nissin, Toyo Suisan, cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 76%, lên 8,4 tỷ yên trong cùng kỳ. Doanh số bán hàng trong nước cũng như nước ngoài ở cả hai công ty đều tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường chủ yếu của Nissin ở châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong, còn Toyo Suisan thì có thị trường Mỹ và Mexico.

Bộ đôi mỳ Nhật Bản đã dẫn đầu sự phục hồi của thị trường chứng khoán nước này. Cả hai đều tăng hơn 35% kể từ khi chỉ số Nikkei Average chuẩn chạm mức thấp nhất trong năm vào giữa tháng 3. Họ là hai trong số 10 công ty tăng giá cổ phiếu hàng đầu trên sàn Tokyo, với vốn hóa thị trường trên 50 tỷ yên.

Công ty Nongshim của Hàn Quốc cũng ghi nhận mức doanh thu nửa đầu năm tăng 17,2% so với một năm trước đó, lên 1,13 tỷ USD. Doanh số bán hàng trong nước của nhà sản xuất mì cay Shin Ramyun đã tăng lên 12% trong khi doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 34%, chủ yếu được thúc đẩy bởi hai thị trường nước ngoài lớn là Trung Quốc và Mỹ.

“COVID-19 là một bước ngoặt khiến thương hiệu Nongshim ở nước ngoài đã được mở rộng”, bà Shim Eun-joo, nhà phân tích tại Hana Financial Investment, nhận định. Giống như các công ty cùng lĩnh vực tại Nhật Bản, giá cổ phiếu của Nongshim đã tăng hơn 50% trong năm nay, đạt 361.000 won vào cuối ngày 24/8.

Theo TTXVN