4 triệu tài khoản điện tử cá nhân được đăng ký giao dịch

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, toàn ngành BHXH đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC); tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 7 dịch vụ công trên ứng dụng VssID.

Đối với BHXH TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Song song với đó, BHXH thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiệt thực phù hợp với tình hình địa phương, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc cắt giảm tối đa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thời gian, tiết kiệm nhất về chi phí cho tổ chức và cá nhân trong các giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại cơ quan BHXH.

Đến cuối tháng 9/2022, trên địa bàn thành phố đã có khoảng 4 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID). Đặc biệt, việc áp dụng khám chữa bệnh (KCB) thông qua hình thức sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cơ sở KCB; nhất là giảm thời gian kê khai thông tin và đối chiếu dữ liệu khi KCB; hạn chế việc phải làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy; giúp người tham gia không mất công bảo quản, bị mất hoặc hỏng thẻ BHYT giấy như trước đây…

Đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hộ gia đình tại khu dân cư. Ảnh: Sơn Nam
Đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hộ gia đình tại khu dân cư. Ảnh: Sơn Nam

Lãnh đạo BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây để tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đi KCB, đơn vị tiếp tục phối hợp với Sở Y tế thành phố chỉ đạo 100% các cơ sở KCB trên địa bàn triển khai thực hiện việc sử dụng quét mã QR trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.

Điển hình gần đây nhất, ngày 3/10/2022 BHXH thành phố đã phát động phong trào thi đua triển khai cập nhật bổ sung số định danh cá nhân/CCCD của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số để cập nhật kịp thời mã định danh (đối với người chưa có số định danh cá nhân/CCCD), CCCD gắn chíp của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đồng bộ dữ liệu BHXH vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo Đề án 06 để đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Theo đó khi đi khám chữa bệnh, người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), BHXH thành phố thường xuyên bổ sung, điều chỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch CCHC hằng năm phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn. Nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai là rà soát các thành phần hồ sơ, TTHC, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuộc thẩm quyền giải quyết để kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục không phù hợp nhằm đảm bảo các TTHC đơn giản, dễ hiểu, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân.

Tích hợp dịch vụ vì lợi ích của người dân

Việc áp dụng khám chữa bệnh thông qua hình thức sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là giảm thời gian kê khai thông tin và đối chiếu dữ liệu khi khám chữa bệnh, hạn chế việc phải làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy, giúp người tham gia không mất công bảo quản, bị mất hoặc hỏng thẻ BHYT giấy như trước đây.

Thống nhất đảm bảo việc thực hiện CCHC nhất là các TTHC của ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH thành phố nói riêng đều được thực hiện trên không gian số, giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ; dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách; nâng cao tính minh bạch của thông tin.

Bên cạnh đó, để tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò của chuyển đổi số, công tác truyền thông về dịch vụ công trực tuyến cũng luôn được BHXH thành phố quan tâm, triển khai đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, TP. Thủ Đức, với nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi. Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH thành phố tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.

Quy định mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT

Ngày 19/10, BHXH TP. Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 6503/BHXH-QLT về triển khai Quyết định số 2222/QĐ-BHXH ngày 16/8/2022 của BHXH Việt Nam ban hành mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT và các cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022, thay thế Quyết định số 542/QĐ-BHXH ngày 30/3/2020 của BHXH Việt Nam.

Quyết định số 2222 của BHXH Việt Nam quy định mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu của người tham gia BHXH tự nguyện BHYT hộ gia đình, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo đa chiều được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng (không bao gồm số tiền do ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đóng).

Căn cứ vào Quyết định số 2222 của BHXH Việt Nam, BHXH TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện quy định đối với mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu thực hiện theo năm tài chính của ngành BHXH Việt Nam và tối đa bằng 7,5% số tiền đóng của người tham gia.

Trong đó, mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện bình quân tối đa bằng 14% số tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện; mức chi thù lao cho cơ sở giáo dục bình quân bằng 2,5% số tiền đóng của học sinh sinh viên (HSSV); mức chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHYT của các nhóm còn lại bình quân bằng 7% số tiền đóng của người tham gia.

Mức chi thù lao BHXH tự nguyện, BHYT theo từng nhóm đối tượng cho tổ chức dịch vụ thu để thực hiện các công việc như: vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; đôn đốc, hướng dẫn người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tiếp tục đóng tiền để được ghi nhận thời gian tham gia BHXH tự nguyện và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT; thu tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; chuyển/nộp tiền, hồ sơ của người tham gia kịp thời, đầy đủ cho cơ quan BHXH; nhận sổ BHXH, thẻ BHYT từ cơ quan BHXH trả cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Văn bản của BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn chi tiết cách xác định người tham gia BHXH, BHYT lần đầu và người tiếp tục tham gia làm căn cứ mức chi thù lao.

Với cơ sở giáo dục, mức chi thù lao để thực hiện các công việc như: vận động HSSV tham gia BHYT; lập danh sách HSSV tham gia BHYT; thu tiền đóng của HSSV, chuyển/nộp tiền, hồ sơ của HSSV kịp thời, đầy đủ cho cơ quan BHXH; nhận thẻ BHYT từ cơ quan BHXH trả cho HSSV. Mức chi thù lao với cơ sở giáo dục cũng được thực hiện tương ứng với việc phân vùng. Theo Quyết định số 2222, TP. Hồ Chí Minh thuộc vùng I.