Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV

Toàn cảnh hội thảo.

Đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Tuân thủ chưa đầy đủ về công khai thông tin ngân sách theo quy định

Tại Hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2018 do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức ngày 30/7, ông Vũ Sỹ Cường – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, MOBI 2018 là khảo sát độc lập đầu tiên tại Việt Nam đánh giá mức độ công khai ngân sách của 37 bộ, cơ quan Trung ương.

Theo đó, trên cơ sở tiêu chí đánh giá do BTAP xây dựng, khảo sát MOBI 2018 đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN 2015 và theo hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC bao gồm: Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý I/2018; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và quyết toán thu chi NSNN năm 2017.

Thông qua khảo sát trên website, kết quả MOBI 2018 cho thấy, các bộ, cơ quan Trung ương chưa tuân thủ đầy đủ quy định về công khai ngân sách theo quy định. Cụ thể, có 37 bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát đạt mức “ít công khai”, không có đơn vị nào đạt mức độ “công khai đầy đủ”, “tương đối” và “chưa đầy đủ” trong khảo sát MOBI 2018. Trong số 37 bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát MOBI 2018, có 20 đơn vị không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách, 17 đơn vị có công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách hoặc có thư mục công khai ngân sách. Điểm MOBI trung bình của 17 đơn vị này là 11 điểm quy đổi (theo thang điểm 100).

Trong xếp hạng MOBI 2018, nhóm 3 đơn vị có thứ hạng cao nhất về mức độ công khai ngân sách gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính. Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam đạt 21,91 điểm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đạt 19,76 điểm, Bộ Tài chính đạt 18,52 điểm.

Đáng chú ý, ông Cường cho biết thêm, kết quả điểm xếp hạng MOBI 2018 còn cho thấy sự không tương đồng giữa điểm xếp hạng MOBI 2018 và mức dự toán được phân bổ năm 2019 cho các đơn vị. Theo đó, một số bộ, cơ quan Trung ương thuộc nhóm đứng đầu trong chi ngân sách, song lại có số điểm MOBI 2018 rất thấp hoặc không có điểm nào. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có tổng số chi NSNN lớn nhất trong tổng số 37 đơn vị được khảo sát (năm 2019 là 58,56 nghìn tỷ đồng) trong khi điểm MOBI 2018 chỉ đạt 3,7 điểm, xếp thứ 13 trên tổng số 17 đơn vị có điểm MOBI 2018. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo lần lượt đứng các vị trí thứ 4, 5 và 6 trên bảng xếp hạng Dự toán chi ngân sách năm 2019, nhưng lại không có bất kỳ tài liệu ngân sách nào được công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát…

Cần giám sát việc thực hiện công khai ngân sách

Bà Ngô Minh Hương – đại diện BTAP cho rằng, Việt Nam đang thực hiện cải cách tài chính công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách của Chính phủ. Trong đó, tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách là một trong những nội dung quan trọng của quá trình cải cách này. Do đó, MOBI 2018 có rất nhiều ý nghĩa, bởi đây là công cụ giúp các bộ, cơ quan Trung ương có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN 2015. Đồng thời, MOBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với việc quản lý và công khai NSNN của các bộ, cơ quan Trung ương…

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cấp cao của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ, MOBI sẽ thúc đẩy việc thực hiện đúng, đầy đủ Luật NSNN 2015, tăng cường công khai thu chi NSNN ở cấp trung ương. Qua đó người dân, các tổ chức được tiếp cận thông tin thu chi NSNN, cùng tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc sử dụng ngân sách, giúp tăng hiệu quả sử dụng NSNN, thực hiện cải cách hành chính và tài khoá tốt hơn, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Với nhiều ý nghĩa tích cực như vậy, theo ông Vũ Sỹ Cường, các bộ, cơ quan Trung ương phải có trách nhiệm và chủ động công khai đầy đủ, kịp thời các loại tài liệu ngân sách theo như quy định trong chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan Trung ương, để người dân có thể tiếp cận được các thông tin và tài liệu về ngân sách của các đơn vị đang sử dụng ngân sách. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các bộ, cơ quan Trung ương có thể phản hồi các khó khăn của đơn vị khi xây dựng và công khai các tài liệu ngân sách về Bộ Tài chính để có hướng dẫn…

Bên cạnh đó, theo khuyến nghị của bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII, do Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương nên cần bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội có thể xem xét hoạt động công khai NSNN của các bộ, cơ quan Trung ương như một trong những điều kiện để đánh giá về hoạt động của bộ, cơ quan Trung ương…

Ngoài ra, đối với các cơ quan như Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành về công khai, minh bạch ngân sách của các đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo quy định...

Thiện Trần