Từ không nhận hàng đến móc nối với đối tác nước ngoài

Chia sẻ việc một số doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm tìm cách chối bỏ trách nhiệm, một cán bộ phòng Thuế Xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện một số trường hợp nhập khẩu hàng có dấu hiệu vi phạm, nhưng không nhận hàng khi nhận thấy sẽ bị cơ quan hải quan phát hiện.

Công chức Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp nhập khẩu. Ảnh Đỗ Doãn
Công chức Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Đỗ Doãn

Cụ thể, đối tượng tìm mọi thủ đoạn để chối bỏ trách nhiệm như: đổ lỗi cho phía người bán hàng nước ngoài giao hàng không đúng hợp đồng, hoặc không giao dịch ký kết hợp đồng thương mại mua bán, gây khó khăn cho cho cơ quan hải quan trong quá trình xem xét xử lý. Điển hình là DN đứng tên trên chứng từ vận tải từ chối nhận hàng trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra khám xét; DN từ chối sau khi xem hàng trước khi làm thủ tục; từ chối nhận hàng sau khi mở tờ khai và cơ quan hải quan kiểm tra phát hiện vi phạm…

Một số trường hợp người nhập hàng tìm cách móc nối với người bán hàng nước ngoài lập nhiều hợp đồng thương mại điện tử mua bán cùng một thời điểm với số lượng, chủng loại hàng khác nhau, khi hành vi vi phạm bị phát hiện thì đổ lỗi cho phía đối tác nước ngoài giao hàng nhầm giữa hợp đồng này sang hợp đồng khác.

Ngoài ra, trong bối cảnh giao dịch điện tử, thương mại điện tử đang là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu như hiện nay, các đối tượng buôn lậu có kiến thức công nghệ tin học cao, ngoài các phương thức, thủ đoạn khai báo gian dối về số lượng, chủng loại, lập hồ sơ, chứng từ giả mạo, không đúng với giao dịch... còn lợi dụng giao dịch điện tử, sử dụng trái phép thẻ căn cước công dân của người khác để đăng ký thành lập DN, hay tự tạo lập nhiều trang web có địa chỉ ở nhiều quốc gia, giả danh công ty nước ngoài để làm giả các giao dịch thương mại, sau đó thuê các DN khác hoặc các cá nhân trong nước đứng tên chủ hàng, hoặc làm dịch vụ để mở tờ khai nhập khẩu lô hàng, để khi bị cơ quan hải quan phát hiện sẽ dễ xóa dấu vết, chối bỏ trách nhiệm…

Giải thể để trốn thuế

Ngoài các thủ đoạn trên, hiện tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn phát hiện nhiều trường hợp DN vi phạm pháp luật hải quan (chưa báo cáo quyết toán nguyên liệu nhập khẩu miễn thuế, nhập khẩu hàng cấm, sai khai báo hải quan, khai sai trị giá hàng hóa...) trong khi cơ quan hải quan đang tiến hành các hoạt động xử lý, chưa xác định được số tiền thuế vi phạm thì DN lại thực hiện thủ tục đóng mã số thuế, giải thể DN nhằm trốn tránh trách nhiệm đối với Nhà nước.

Kiểm tra hàng hóa thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn
Kiểm tra hàng hóa thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn

Để ngăn chặn tình trạng này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Thuế TP Thủ Đức, Chi cục Thuế quận Gò Vấp đề nghị tạm ngừng thực hiện thủ tục giải thể đối với các DN trên.

Tuy nhiên, công văn phản hồi từ Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho thấy, cơ quan này không thể thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Hải quan, bởi cơ quan Hải quan chưa được pháp luật quy định là cơ quan được quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh tạm dừng việc giải thể DN (theo điểm c Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP).

Từ thực tế này và không để DN có dấu hiệu vi phạm tìm cách trốn tránh trách nhiệm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo vụ việc về các trường hợp trên, đề xuất Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan tham mưu, báo cáo lãnh đạo các cấp xem xét, bổ sung quy định cho phép cơ quan Hải quan được quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh không thực hiện việc đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của DN trong thời gian cơ quan Hải quan đang tiến hành xử lý các hành vi vi phạm của DN.

Hải quan phát hiện, thu giữ hơn 172 kg ma túy

Lũy kế 10 tháng năm 2022, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ trên 2.470 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa lên đến 2.771 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 40,6 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm vận chuyển trái phép chất ma túy lên đến 74 vụ, với tang vật thu giữ hơn 172 kg ma túy và tiền chất các loại, gồm 108 kg cần sa; gần 12 kg methamphetamine; hơn 13,4 kg tiền chất ma túy; 19,3 kg MDMA; gần 18,2 kg heroin; 320g cocain và 760g ketamine.