Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NNK |
Ngày 3/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị về kiểm soát giết mổ động vật và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn còn tình trạng giết mổ không phép
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ. Tất cả các CSGM động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm, đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp chủ yếu là các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước còn 45 tỉnh, thành phố chưa ban hành Kế hoạch thiết lập mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y và Luật Quy hoạch (sửa đổi một số điều về quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ động vật). |
Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, việc ban hành quyết định phê duyệt mạng lưới CSGM tập trung và triển khai thực hiện thể hiện mức độ quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý giết mổ động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật. Nơi nào chính quyền địa phương tích cực và quyết liệt chỉ đạo thì nơi đó có chuyển biến rõ rệt.
Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung, dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương. Không những vậy, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các địa phương.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hà Nội cho biết, hiện thành phố có tổng số 726 cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm nhưng đa số các cơ sở hoạt động chưa hết công suất. Trong khi đó, các CSGM gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại số lượng lớn, hoạt động giết mổ rất đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao.
Cơ sở giết mổ gia cầm ở Hà Nội. Ảnh: TL |
Hỗ trợ các loại hình giết mổ
Từ thực tế đó, ông Tường kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng hỗ trợ các loại hình giết mổ được chính quyền cấp phép hoạt động và hỗ trợ ngay khi thực hiện đầu tư để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, ban hành quy định phân loại cơ sở giết mổ động vật dựa trên công suất giết mổ của cơ sở thay vì phân loại theo loại hình đăng ký kinh doanh như hiện nay để phù hợp với phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ tại các nhà máy giết mổ động vật tập trung với dây chuyền công nghiệp, tinh giảm thời gian, nhân sự kiểm soát giết mổ đồng thời thực hiện đúng quy định pháp luật, chức năng nhiệm vụ được giao, đại diện Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh đề xuất Cục Thú y rà soát, điều chỉnh quy trình kiểm tra sau giết mổ đối với heo tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung với dây chuyền công nghiệp, theo hướng giao cho cơ quan thú y quản lý chủ động theo dõi nguồn heo đưa vào cơ sở giết mổ, thực hiện kiểm tra trên thân thịt; việc kiểm tra đầu, phủ tạng chỉ thực hiện khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý liên quan...
Còn Cục Thú y kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới CSGM động vât tập trung; tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tớixây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường.Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cục Thú y tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho cán bộ cơ sở.../.
Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. |