Ngày 29/5, VCCI có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nội dung góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, trên cơ sở thu nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo đánh giá của VCCI, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều điểm cần quan tâm hoàn thiện, trong đó có góp ý liên quan đến các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Cần đảm bảo tính thống nhất và đơn giản thủ tục trong kinh doanh bất động sản
Cần đảm bảo tính thống nhất và đơn giản thủ tục trong kinh doanh bất động sản. Ảnh: TL

Theo VCCI, Điều 57 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu, việc “bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản”. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội.

Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù, các giao dịch bất động sản trên sàn sẽ tạo nên sự minh bạch về thông tin, giúp nhà nước quản lý được thông tin về thị trường bất động sản, tuy nhiên quy định trên sẽ gặp một số vấn đề đáng lưu tâm.

Gia tăng chi phí trong giao dịch bất động sản: theo phản ánh, khi chuyển sang hình thức sàn giao dịch bất động sản, chi phí trung gian mà bên mua, bên bán phải gánh chịu sẽ cao hơn phí công chứng (phí công chứng là không quá 0,1% giá trị hợp đồng, chi phí trung gian khi giao dịch qua sàn vào khoảng 2% hoặc thậm chí lên đến 8% giá trị hợp đồng). Chi phí này sẽ được đẩy vào giá bán nhà và khiến cho giá của bất động sản tăng cao hơn, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng và khả năng tiếp cận nhà của người dân.

Hạn chế về khả năng chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, một số doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có các bộ phận chuyên nghiệp giới thiệu, chào bán sản phẩm bất động sản và có các phương thức chào bán hiệu quả. Việc giới hạn các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn sẽ làm hạn chế việc tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.

Trước đây, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng yêu cầu “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản”. Tuy nhiên, quy định này đã được bỏ tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bởi tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về thủ tục.

Theo VCCI, việc dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản khôi phục lại yêu cầu một số các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn môi giới bất động sản tại Điều 57, cần được đánh giá tác động một cách kỹ càng để đảm bảo giảm chi phí kinh doanh và tính khả thi khi triển khai trên thực tế. Về quy định giao dịch qua sàn, các doanh nghiệp đề nghị cân nhắc quy định theo hướng là sự lựa chọn thay vì bắt buộc.