HT

Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, diễn ra sáng 18/1. Ảnh: H.Y

Ngày 18/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Tự chủ bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Tại hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN đánh giá thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cơ chế tự chủ đã từng bước phát huy tính năng động của các bệnh viện; khuyến khích và tạo điều kiện cho các bệnh viện huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị; nhờ đó người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Các bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), chống quá tải. Hầu hết các bệnh viện đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ có khả năng triển khai và phù hợp với năng lực của mình; trên cơ sở đó tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp để thành lập các đơn vị mới hoạt động có hiệu quả hơn.

Việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đã làm thay đổi nhận thức của nhiều bệnh viện, không còn tư tưởng chỉ trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước (NSNN) mà các bệnh viện chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh. Số lượng bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, số người hưởng lương từ NSNN giảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập vẫn bộc lộ một số hạn chế như một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện tự chủ chưa được ban hành đồng bộ.

Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình KCB và hướng dẫn điều trị theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ BHYT. Hiện chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và định mức tính giá của Bộ Y tế.

Giá dịch vụ KCB BHYT chưa tính đủ chi phí, trong đó tiền lương vẫn tính theo mức lương cơ sở. Còn tồn tại những biểu hiện tiêu cực liên quan đến hoạt động KCB như: Thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định để tăng thu từ quỹ BHYT; kéo dài ngày điều trị để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH); chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết; thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật chưa đảm bảo quy định;...

Quỹ BHYT trong những năm qua cân đối không ổn định. Từ năm 2016 Quỹ BHYT đã bội chi với xu hướng ngày càng lớn.

Nhiều bệnh viện chưa xây dựng phương án liên doanh, liên kết, chưa thực hiện đúng quy định dẫn đến tình trạng lẫn lộn công - tư. Việc đấu thầu về danh mục thuốc, vật tư tiêu hao cũng còn nhiều bất cập.

Theo ông Hồ Minh Thế - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ (BHXH), nguồn chi từ BHYT hàng năm chiếm trên 60% nguồn thu của bệnh viện. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao quản lý, sử dụng nguồn thu của bệnh viện từ BHYT cho tốt, mức thu, mức khám tương ứng đối tượng sử dụng, quy hoạch đối tượng sử dụng. Cùng với đó, năng lực quản trị bệnh viện phải được tăng cường để kiểm soát tốt cả chuyên môn và tài chính, có cơ chế rõ ràng để tạo động lực cho cơ sở y tế.

Cần có chính sách kịp thời để tránh thâm hụt Quỹ BHYT

Bà Đào Thị Thu Vĩnh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 7 cho biết, vấn đề mấu chốt giữa ngành Y tế và BHXH là thanh toán từ Quỹ BHYT. Nếu không có quy định cụ thể để quản lý kịp thời thì BHYT sẽ thâm hụt quỹ.

Hiện mức đóng quỹ BHYT còn thấp, trong khi chi trả không có mức tối đa, nhiều bệnh hiểm nghèo mức chi trả rất lớn, là một trong những nguyên nhân khiến quỹ mất cân đối. Do đó, Bộ Y tế cần có chính sách kịp thời để tránh thâm hụt quỹ. Trong đó, yếu tố quan trọng là chúng ta thiếu quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành Y tế.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế khi thực hiện cơ chế tự chủ. Vì vậy, cùng với việc ban hành kịp thời chính sách về tự chủ, cần phải có cơ chế đảm bảo chất lượng KCB tại các bệnh viện.

Từ góc độ đơn vị y tế, ông Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương chia sẻ, các bệnh viện cũng phải chịu nhiều áp lực, “mong manh đứng giữa những ràng buộc của cơ chế, luật pháp, y đức và nhiều vấn đề khác”. Trong khi đó, các ranh giới, khái niệm của tự chủ không rõ ràng, chưa được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật khiến cho việc tự chủ khó phát triển lành mạnh, thiếu hành lang pháp lý bảo vệ bác sĩ.

Lấy ví dụ về quy định tổ chức mua sắm đấu thầu, ông Vũ Xuân Phú nhận xét: Mặc dù đây là công cụ rất tốt của Nhà nước để khống chế những hành vi tiêu cực trong mua sắm, sử dụng ngân sách, tuy nhiên, các đơn vị tự chủ mua sắm bằng tiền của đơn vị làm ra cũng phải tuân thủ quy định như với đầu tư từ ngân sách. Có những dịch vụ như hệ thống cung cấp oxy lỏng phải được đầu tư rất lớn, nối đến từng giường bệnh nhưng theo quy định mỗi năm đấu thầu một lần.

Hay dịch vụ bảo vệ, sau mỗi năm cũng phải đấu thầu một lần và việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mất rất nhiều thời gian.

“Không nên lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và quản trị bệnh viện. Tuân thủ pháp luật nhưng cũng phải linh hoạt. Luật pháp nào cũng phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn” - ông Phú đề nghị.

Theo ông Phạm Đình Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), các bệnh viện chuyển sang cơ chế tự chủ đã đạt nhiều kết quả rất tốt, tăng chất lượng dịch vụ, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, cần có “hành lang” pháp lý cụ thể, quy định rõ tự chủ như thế nào, những gì được làm và không được làm, đồng thời quy định rõ sự phối hợp của các cấp ngân sách từ trung ương, tỉnh, huyện, xã… của Bộ Y tế ra sao để thực hiện tự chủ được thuận lợi./.

Hoàng Yến