Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thay vào đó, toàn ngành phải tập trung vào việc mang đến cho khách hàng sản phẩm, sự tư vấn và dịch vụ tốt nhất, đặc biệt là dịch vụ yêu cầu bồi thường. Toàn ngành cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng của các công ty, giống như ngành Ngân hàng quản lý nợ xấu. Ngân hàng nào, chi nhánh nào quản lý nợ xấu không tốt thì không nên cho tăng trưởng tín dụng.

Đây là chia sẻ của ông Chung Bá Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors (TCA), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về một số vấn đề trên thị trường bảo hiểm hiện nay.

PV: Thưa ông, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới các hoạt động của nền kinh tế và nhiều ngành chịu ảnh hưởng, ngành Bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, năm 2020, ngành bảo hiểm toàn cầu vẫn tăng tốt. Vậy còn từ đầu năm 2021 tới nay, ngành bảo hiểm toàn cầu diễn biến ra sao khi dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế?

Ông Chung Bá Phương
Ông Chung Bá Phương
Ông Chung Bá Phương: Trên toàn cầu, so với năm 2020 ngành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đã chậm lại một chút nhưng vẫn đang phát triển; đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển.

Lý do đầu tiên là nhu cầu mua các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vẫn lớn và chúng tôi thấy điều này rõ ràng hơn qua các sản phẩm TCA cung cấp.

Thứ hai, mọi người tiếp tục ngừng chi tiêu cho những thứ như rượu, thuốc lá (đeo khẩu trang khó hút), du lịch, nhà hàng đắt tiền và có thêm thu nhập cho những thứ quan trọng mà họ cần như chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm không gây hại cho họ. Việc chậm lại rõ ràng là do người dân có thu nhập thấp hơn từ việc kinh tế giảm sút. Mọi người tiếp tục thấy rằng tác động của Covid-19 sẽ còn kéo dài.

PV: Riêng với Việt Nam, dường như tác động của dịch bệnh tới các doanh nghiệp là không nhiều khi mà số liệu cho thấy thị trường vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Ông có thế lý giải gì về những con số tích cực của doanh nghiệp bảo hiểm trong nước dù dịch bệnh vẫn căng thẳng từ đầu năm tới nay?

Ông Chung Bá Phương: Chúng ta có thể thấy rằng, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục phát triển nhanh hơn nhiều so với kênh đại lý. Chất lượng kênh đại lý tiếp tục kém đi.

Tuy nhiên, kênh bancassurance dường như cũng đang gặp phải hai vấn đề lớn mà ngày càng rõ ràng hơn. Một là tỷ lệ duy trì đang giảm nhanh do chất lượng tư vấn. Hai là “áp lực” đặt ra đối với khách hàng về việc mua bảo hiểm khi đăng ký khoản vay.

Chúng tôi tin rằng, những ngân hàng có chất lượng bán bảo hiểm thật sự sẽ không gặp những vấn đề này, nhưng chúng tôi nghi ngờ những ngân hàng khác có thể gặp vấn đề này. Nhiều ngân hàng cũng đang bán sản phẩm bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư nên có thể dẫn đến nhiều vấn đề rất nguy hiểm có thể phát sinh.

PV: Nhìn một cách khách quan, dịch Covid-19 chính là cơ hội để nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thay đổi để bứt phá. Theo ông, qua khó khăn mà dịch bệnh mang lại, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi hay lưu ý những gì để tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và doanh thu?

Ông Chung Bá Phương: Ngành bảo hiểm toàn cầu đã trở nên rất chuyên nghiệp với sự tư vấn chuyên nghiệp và sản phẩm phù hợp cho khách hàng, cùng tỷ lệ duy trì rất tốt. Quyền lợi bảo hiểm cũng được chi trả nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp. Đây là lý do chính khiến ngành bảo hiểm toàn cầu không tăng trưởng chậm lại.

Ngành bảo hiểm toàn cầu đã đi vào nề nếp, số hóa và tăng cường sử dụng công nghệ, điều này cũng giúp đáp ứng và giải quyết các vấn đề của khách hàng trên mạng để giảm bớt tác động của việc lây lan của dịch Covid-19.

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 đang làm nổi lên các vấn đề về chất lượng đại lý kém và đang giúp các công ty tốt khác biệt hóa chính họ. Và nó đang giúp các công ty chất lượng như TCA tăng trưởng 70% trong năm 2020.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, đâu là lợi thế cho các doanh nghiệp bảo hiểm? Đâu là khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải vượt qua?

Ông Chung Bá Phương: Trong bất kỳ công việc kinh doanh nào mà tiền bị lãng phí khi chạy theo doanh số, thì rất dễ dẫn đến hậu quả không tích cực. Các công ty bảo hiểm đã đổ tiền vào tiếp thị và ngân hàng (nhưng không yêu cầu chất lượng từ đại lý truyền thống) để thu được kết quả nhanh chóng dẫn đến việc tư vấn không tốt và bán sai sản phẩm, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế căng thẳng mặc dù khách hàng có thể thấy nhu cầu được bảo vệ cuộc sống và sức khỏe.

Lãng phí vốn để chạy theo doanh số bán hàng khác với đầu tư vào những người giỏi, cơ sở hạ tầng và xây dựng thương hiệu. Đầu tư thì rất tốt nhưng lãng phí vốn chạy theo doanh số thì không.
Ảnh minh hoạ

Sự lãng phí rất tồi tệ đối với những đại lý không chuyên nghiệp, không biết sản phẩm hoặc tư vấn mà họ đưa ra cho khách hàng và sau đó bỏ rơi khách hàng. Những tác nhân này đã hủy hoại các công ty và mang lại tên xấu cho ngành. Chúng tôi đã chứng kiến ​​các công ty rời Việt Nam như Great Eastern của Singapore, Cardiff của Pháp, AVIVA và nhiều công ty khác được đồn đại sẽ theo sau. Các công ty này mạnh ở thị trường nội địa nhưng lại bị thua lỗ ở Việt Nam.

Chính vậy, chúng tôi cho rằng, các công ty nên dành tiền để xây dựng hệ thống phân phối có chất lượng, thiết kế đúng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng để không dẫn đến khách hàng bị áp lực mua nhầm sản phẩm.

Thay đổi duy nhất mà ngành Bảo hiểm cần thực hiện và cũng là khó nhất là ngừng dồn lực theo doanh số và đốt vốn của chính họ một cách lãng phí. Nếu không thay đổi thì hậu quả sớm hay muộn cũng sẽ đến và chúng ta có thể đã thấy nó hiện đang xảy ra. Các công ty mẹ của họ đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do các khoản đầu tư không tốt. Đồng thời, hoạt động bán hàng kém của chính họ dẫn đến khả năng hoạt động thiếu bền vững ở một số thị trường khác và cũng có những khoản lỗ lớn về mảng bảo hiểm phi nhân thọ cho các công ty có hoạt động cả nhân thọ lẫn phi nhân thọ. Chính vì vậy, thay vì tập trung quá lớn vào doanh số, toàn ngành phải tập trung vào việc mang đến cho khách hàng sản phẩm, tư vấn và dịch vụ tốt nhất, đặc biệt là dịch vụ yêu cầu bồi thường.

Toàn ngành cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng của các công ty, giống như ngành ngân hàng quản lý nợ xấu. Ngân hàng nào, chi nhánh nào quản lý nợ xấu không tốt thì không nên cho tăng trưởng tín dụng. Với các công ty bảo hiểm cần công bố tỷ lệ duy trì để khách hàng và cơ quan quản lý thấy được chất lượng kinh doanh của họ và hy vọng dẫn đến một ngành tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Đặc san Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2021)

Duy Thái (thực hiện)