Báo cáo từ UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, kết thúc năm 2022, toàn tỉnh giải ngân được 2.934 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 65,4% kế hoạch vốn được giao của năm. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp so với mặt bằng chung của cả nước trong năm 2022.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công địa phương đạt thấp được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư kéo dài, chậm, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Một số nhà thầu khi triển khai thi công, huy động nhân lực và máy móc thiết bị không bảo đảm đúng hồ sơ dự thầu; trình độ, năng lực của cán bộ kỹ thuật, công nhân còn hạn chế, thi công công trình không đạt tiến độ, chất lượng.

Cao Bằng quyết tâm bứt phá khỏi nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp
Cao Bằng quyết tâm bứt phá khỏi nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh minh họa

Việc giải quyết các vấn đề phát sinh, thay đổi, điều chỉnh tại hiện trường dự án còn chậm. Một số nhà thầu còn lúng túng khi thực hiện các thủ tục nghiệm thu theo quy định. Việc đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hồ sơ thanh, quyết toán khối lượng đã hoàn thành chưa chủ động, tích cực, còn nể nang.

UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các chủ đầu tư đến ngày 31/1/2024 phải giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công; đối với dự án chuyển tiếp từ năm 2022, kéo dài thực hiện sang năm 2023, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Đặc biệt, một nguyên nhân cơ bản khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Cao Bằng trong năm 2022 đạt thấp là do các dự án khởi công mới năm 2022 đã được phân bổ kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, tuy nhiên rất nhiều dự án chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Đến quý III/2022, đa số các dự án mới hoàn thiện các thủ tục và mới có thể được giao vốn để thực hiện các công việc tiếp theo.

Bên cạnh việc chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc không khảo sát kỹ tại thực địa, năng lực của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế nên hồ sơ dự án, chất lượng không cao, phải điều chỉnh nhiều lần mới có thể phê duyệt, hoặc phải điều chỉnh trong quá trình thi công, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Năm 2023, vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng được giao 4.625 tỷ đồng. Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngay từ quý đầu của năm và bứt phá ra khỏi danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp nhất cả nước, ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện, tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra hiện trường, nhất là hiện trường các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để kịp thời phối hợp, kiến nghị giải quyết các vướng mắc phát sinh.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu các chủ đầu tư đến ngày 31/1/2024 phải giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công; đối với dự án chuyển tiếp từ năm 2022, kéo dài thực hiện sang năm 2023, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.

UBND tỉnh Cao Bằng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tiến độ thực hiện các dự án đến quý II và III/2023. Theo đó, các dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu, kịp thời báo cáo UBND tỉnh cắt giảm số vốn chậm giải ngân để điều chuyển, bổ sung cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành, tiến độ giải ngân tốt.