PV: Vấn đề quyết toán thuế nói chung và quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người nộp thuế (NNT). Ông nhận thấy những vướng mắc mà NNT khi quyết toán thuế TNCN thường gặp nhất là gì?
Ông Nguyễn Văn Phụng |
Ông Nguyễn Văn Phụng: NNT không chắc chắn mình có phải quyết toán không? Có nhiều loại thu nhập và không rõ loại nào phải quyết toán thuế, loại nào không phải quyết toán? Họ chắc chắn sẽ được hoàn thuế khi quyết toán rồi, nhưng không chắc có thuận lợi không? Nộp hồ sơ khai tại đâu, hồ sơ gồm những loại nào, có được khai qua mạng không? Muốn khai qua mạng nhưng không tự tin về kỹ năng tin học của mình thì liệu cơ quan thuế có hỗ trợ không?… Đó là những băn khoăn chính của nhiều NNT khi thực hiện quyết toán thuế.
PV: Những đối tượng nào sẽ phải quyết toán thuế TNCN trực tiếp tại cơ quan thuế? Thời gian cuối cùng tổ chức, cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế là ngày nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn quyết toán TNCN năm 2022 đối với hồ sơ của tổ chức chậm nhất là ngày 31/3/2023; đối với hồ sơ của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là ngày 30/4/2023. Tuy nhiên, ngày 30/4 và 1/5 là ngày nghỉ, lại là ngày cuối tuần, nên theo Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ngày cuối quyết toán thuế sẽ được chuyển sang ngày 2/5/2023.
Để thực hiện thống nhất, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 883/TCT-DNNCN ngày 24/3/2022 gửi các địa phương để tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp và người dân thực hiện quyết toán thuế. Theo đó, trừ các cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế, những cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế gồm: cá nhân cư trú có nhiều nguồn thu nhập mà không thuộc diện được ủy quyền cho nơi đang làm việc quyết toán thay, có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa được hoàn lại.
Cá nhân người nước ngoài trong 2 trường hợp: Năm 2022 tuy mới có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng trong khoảng tròn năm (365 ngày) tính từ ngày đầu đến Việt Nam họ có mặt từ 183 ngày trở lên, phải quyết toán thuế cho năm đầu tiên; và người nước ngoài kết thúc công việc trước khi rời khỏi Việt Nam họ có thể ủy quyền quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Cá nhân người Việt Nam có nhận thu nhập từ nước ngoài, từ các tổ chức quốc tế, đại sứ quán mà thu nhập của họ chưa bị khấu trừ, chưa được khấu trừ, vậy nay phải kê khai quyết toán với cơ quan thuế.
Công chức thuế tổ chức hỗ trợ quyết toán thuế qua hình thức trực tuyến. Ảnh: TN |
PV: Vậy cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế TNCN các khoản thu nhập nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phụng: Cá nhân chỉ phải quyết toán khoản thu nhập về tiền lương, tiền công. Một cá nhân có tiền lương tại nơi làm việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng có các khoản tiền công, tiền thù lao như môi giới, tiền làm đề tài, tư vấn pháp luật, đào tạo,… cho dù đã bị khấu trừ 10% thuế, thì nay phải tổng hợp quyết toán xác định đúng số thuế phải nộp. Cho nên, sẽ có những người được hoàn lại tiền thuế do số thuế tạm nộp, tạm khấu trừ nhiều hơn số phải nộp. Ngược lại, có không ít người sẽ phải nộp thêm thuế do thu nhập cao, mức thuế suất cận biên thực tế cao hơn mức đã tạm khấu trừ 10%.
Những người vừa có thu nhập về tiền công nhưng có các khoản thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ cho thuê tài sản đã nộp thuế khoán hoặc kê khai thì cũng chỉ phải quyết toán thu nhập từ tiền lương, tiền công. Tương tự, nếu có thu nhập từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mại, quà biếu quà tặng…, thì những khoản này cũng không phải quyết toán vì đã được cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ đủ theo mức thuế suất toàn phần.
Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra trường hợp cá nhân chuyển nhượng phần vốn góp, vốn cổ phần của các công ty chưa lên sàn mà các đơn vị chi trả thu nhập chưa khai thuế trong khi cơ sở dữ liệu ngành Thuế đã nắm được thì cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm giải trình để cá nhân và cơ quan chi trả thu nhập làm rõ trách nhiệm.
PV: Trong quá trình triển khai, nếu cá nhân chậm làm quyết toán thuế TNCN thì sẽ chịu các chế tài xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Văn Phụng: Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng. Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp phạt. Cụ thể: Tiền chậm nộp phạt 1 ngày 0,05% x số tiền chậm nộp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tra cứu thêm trên trang thông tin điện tử ngành Thuế Để hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thực hiện quyết toán thuế được thuận lợi, Trang thông tin điện tử (website) của Tổng cục Thuế và của 63 cục thuế là các kênh chính thức để NNT tra cứu thông tin, tham vấn các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan thuế các cấp. Ngoài ra, từng cơ quan thuế sẽ có các tài khoản, fanpage riêng mở trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube... để cung cấp thông tin chi tiết cho từng nhóm NNT. Tổng cục Thuế vừa cho biết, sẽ tổ chức Hội nghị hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2022, với nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân năm 2022 vào ngày 21/3 và 23/3. |