Thị trường châu Á đang thay đổi nhanh chóng
Ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC vừa có chia sẻ về triển vọng đầu tư ở thị trường châu Á hiện nay.
Theo chuyên gia của ngân hàng HSBC, châu Á vẫn là một động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội đầu tư và đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhà đầu tư toàn cầu. Thay đổi ở châu Á đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và nhà đầu tư phải linh hoạt để thích nghi với các thị trường nhiều biến động. Mặc dù Trung Quốc cho thấy tiềm năng tăng trưởng tài sản dài hạn, rất khó để hình dung các cổ phiếu Trung Quốc có thể duy trì đà tăng do những thách thức ngắn hạn.
Châu Á là động lực tăng trưởng cho toàn cầu |
Trong khi đó, Nhật Bản nổi lên như một cơ hội hấp dẫn để đa dạng hóa danh mục đầu tư với một thị trường chứng khoán đa dạng và có tương quan thấp với các nhóm tài sản khác. Là thị trường trái phiếu lớn thứ ba và thị trường cổ phiếu lớn thứ tư thế giới, Nhật Bản có khả năng hấp thu một lượng vốn lớn.
Cơ cấu lĩnh vực của thị trường chứng khoán Nhật Bản tương đối đa dạng so với các thị trường phát triển khác. Chẳng hạn, thay vì tràn ngập cổ phiếu ngành công nghệ như ở thị trường Mỹ hoặc cổ phiếu ngành bán dẫn như ở Hàn Quốc và Đài Loan, Nhật Bản cho phép nhà đầu tư tiếp cận một loạt ngành, lại có tương quan thấp với các nhóm tài sản khác. Đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, tất cả các yếu tố nêu trên đồng nghĩa với sự vững vàng trong danh mục đầu tư. Các cuộc cải tổ doanh nghiệp đang diễn ra cũng như những tiến bộ công nghệ của Nhật Bản càng củng cố sự hấp dẫn của quốc gia này.
Với sự vươn rộng đáng kể của ngành bán dẫn và mối liên hệ mật thiết tới tăng trưởng của châu Á, Hàn Quốc cũng là một phương kế để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong bối cảnh ngành bán dẫn tiếp tục hưng thịnh, Hàn Quốc – một nhà sản xuất chip nhớ lớn – đang sẵn sàng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với công nghệ và đầu tư trong mảng AI.
Hàn Quốc hiện đang trong giai đoạn cải tổ doanh nghiệp toàn diện nhất trong nhiều thập kỷ nhằm cải thiện lợi nhuận cổ đông trên thị trường cổ phiếu. Những nỗ lực trước đây nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp đã có tiến triển trong giảm sở hữu chéo cổ phần, tăng cổ tức và cải thiện mức độ minh bạch, nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện trong quản lý vốn. Sau khi thị trường Nhật Bản đạt hiệu suất mạnh mẽ, có nhiều hy vọng các cuộc cải tổ doanh nghiệp của Hàn Quốc sẽ mang lại kết quả đáng khích lệ tương tự.
ASEAN sẽ là mặt trận tăng trưởng mới
Bên cạnh những thị trường này, ASEAN và Ấn Độ đang nổi lên như những mặt trận tăng trưởng mới nhờ cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp người tiêu dùng trung lưu đang mở rộng.
Ấn Độ có những nét tương đồng với Trung Quốc với một nền kinh tế tương đối đóng, quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng và sự hấp dẫn ngày càng gia tăng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ nước ngoài nắm giữ tài sản của Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn so với các thị trường khác giúp bảo vệ nước này trước các dòng vốn biến động. Với khối lượng xuất khẩu dịch vụ đáng kể, đặc biệt là công nghệ thông tin, Ấn Độ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu chậm lại, lại càng giảm mực độ tương quan với các điều kiện kinh tế thế giới.
Ấn Độ là một trong những thị trường nổi bật trong những năm gần đây với 8 năm liền ghi nhận lợi nhuận dương. Ấn Độ cũng là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một trong ít nơi trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dân số mạnh mẽ giúp nước này trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới.
![]() |
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. |
Còn ASEAN đem lại một trong những câu chuyện tăng trưởng thú vị nhất ở châu Á nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng và cơ hội hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Với dân số hơn 680 triệu người, tầng lớp trung lưu của ASEAN đã sẵn sàng để trở thành một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Trong đó, Việt Nam, một nền kinh tế đang nở rộ nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực sản xuất, đang sẵn sàng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong những năm tới. Đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, đầu tư cho hạ tầng mạnh mẽ, độ mở thương mại lớn và khả năng thu hút FDI sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam.
"Trong bối cảnh cải tổ thị trường chứng khoán tiếp tục tiến triển, Việt Nam sẽ gia tăng tầm quan trọng trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới. Thêm nữa, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi cũng sẽ giúp gia tăng hội nhập thương mại và thúc đẩy đầu tư trong khu vực", ông James Cheo nhận định. |