Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách

Nhờ tích cực cải cách hành chính trong kiểm soát chi (KSC) nên các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngân sách tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đơn giản, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, do quy mô chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách ngày càng lớn, nội dung chi nhiều, trong khi hệ thống pháp luật về quản lý tài chính ngân sách còn bất cập đã đưa đến nhiều rủi ro trong công tác KSC. Theo thống kê từ KBNN, rủi ro thường tập trung ở các hoạt động nghiệp vụ, gồm: từ áp dụng các văn bản pháp luật; từ các quy trình nghiệp vụ; từ các ứng dụng công nghệ thông tin…

Từ tháng 11/2020 đến nay, các hồ sơ, chứng từ chi NSNN (trừ chứng từ của khối an ninh, quốc phòng) được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN. Theo đó, công tác KSC, xử lý hồ sơ, chứng từ đều được thực hiện trên môi trường mạng đã mang lại nhiều thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách nhưng cũng đồng thời đưa đến nhiều rủi ro cho công chức KSC KBNN.

Hoạt động tại Kho bạc nhà nước Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: ĐỨC MINH
Hoạt động tại Kho bạc nhà nước Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Minh

Rủi ro được chỉ ra là do thực hiện trên môi trường mạng nên đơn vị sử dụng ngân sách vì lý do bất cẩn đã không thực hiện nghiêm việc quản lý chứng thư số, chữ ký số và tài khoản chương trình. Đây chính là sơ hở trong việc quản lý NSNN dễ dẫn đến thất thoát.

Hơn nữa, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế suốt 2 năm qua, tác động lớn đến nguồn thu NSNN và hoạt động chi NSNN theo dự toán. Theo nhận định, đây là một trong những khó khăn gây áp lực cho NSNN trong thời gian tới.

Với các nguyên nhân trên, cùng với việc góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách theo đúng vai trò, trách nhiệm được giao và để chia sẻ khó khăn với Chính phủ, Bộ Tài chính trong điều hành ngân sách, KBNN đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa rủi ro trong công tác KSC. Đặc biệt, ngày 31/5/2021, KBNN đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ- KBNN về quy trình kiểm soát phòng ngừa rủi ro trong công tác KSC NSNN, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN (quy trình quản lý rủi ro).

Các nguyên tắc và quy định trong quy trình rủi ro đã giúp KBNN phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu được các rủi ro trong công tác KSC NSNN, kế toán và thanh toán. Nhờ nhận diện nhanh các rủi ro, công chức KSC tại KBNN đã phát hiện kịp thời các sai phạm của đơn vị sử dụng ngân sách, từ đó áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng thẩm quyền đã được phân cấp.

Tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm soát chi

Để giúp cho công tác quản lý và kiểm soát tốt nguồn quỹ NSNN, KBNN đang tiếp tục lưu ý các đơn vị KBNN trực thuộc phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc và quy định trong Quy trình quản lý rủi ro; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đã được nêu cụ thể tại Nghị định của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định số 11/2020/NĐ- CP).

KBNN cũng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình KSC nói chung và chi thường xuyên nói riêng, làm rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của kho bạc trong các nội dung KSC. Đặc biệt, KBNN đang đưa ra kế hoạch đổi mới mô hình giao dịch, hình thức thanh toán để đảm bảo cho các công chức KSC có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất; ban hành cơ chế, quy trình, tổ chức bộ máy quản lý và kiểm soát rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, nhằm hỗ trợ một cách đắc lực và hiệu quả cho công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn NSNN.

Bên cạnh đó, KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN tăng cường trao đổi, cập nhật cơ chế, chính sách, quy định, quy trình liên quan đến kiểm soát chi NSNN cho kế toán, chủ tài khoản của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, đưa ra những cảnh báo và yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình chi tiêu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực trong đơn vị.

Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ

Với mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và Kho bạc Nhà nước, ngày 15/11 vừa qua, Kho bạc Nhà nước thực hiện liên thông Dịch vụ công trực tuyến - Tabmis - Thanh toán song phương điện tử. Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến Kho bạc Nhà nước trên Dịch vụ công trực tuyến để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình Dịch vụ công trực tuyến thì chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang ngân hàng thương mại mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây… Việc liên thông này đã giúp giảm áp lực công việc cho công chức kiểm soát chi; đồng thời đảm bảo cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra.