Cung cấp nguồn nhân lực tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, học viện luôn thực hiện sứ mệnh “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội”, với giá trị cốt lõi là “Chất lượng - uy tín - hiệu quả - chuyên nghiệp và hiện đại”. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, toàn thể học viện đã tạo thành một khối thống nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của học viện là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và NCKH. Học viện đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển học viện đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược phát triển Học viện Tài chính tầm nhìn 2045
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho biết, sau 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã đào tạo cho đất nước gần 140.000 cử nhân kinh tế, gần 10.000 thạc sĩ và gần 500 tiến sĩ kinh tế. Những cựu sinh viên, cựu học viên của Học viện Tài chính đều rất thành đạt trên cương vị công tác của mình. Học viện Tài chính rất tự hào là nơi tu nghiệp của nhiều chính khách Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng; nhiều đồng chí là lãnh đạo các tỉnh như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn và rất nhiều cựu sinh viên khác giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo đó, học viện đã làm tốt công tác quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ giảng viên được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cả về kiến thức khoa học chuyên ngành, phương pháp sư phạm và ngoại ngữ, tin học.

Đến nay, học viện có 633 cán bộ, viên chức với trên 500 giảng viên. Trong số đó, có 50 giáo sư và phó giáo sư, trên 222 tiến sĩ. Nhiều giảng viên của học viện đã trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh cho các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế và các chương trình của các tổ chức quốc tế danh tiếng như: ACCA, ICAEW…

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, học viện đã thực hiện xây dựng và hoàn thiện chuẩn đầu ra làm cơ sở xác định đúng đắn nội dung và chương trình đào tạo; thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Đội ngũ giảng viên của học viện đã áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của người học và tăng cường ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy.

Công tác NCKH cũng rất được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu. Trong 5 năm gần đây, học viện đã hoàn thành 7 đề tài NCKH cấp nhà nước, 82 đề tài khoa học cấp bộ và tương đương, qua đó, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý tài chính. Trong giai đoạn 2018-2022 các nhà khoa học của Học viện Tài chính đã có 176 công bố khoa học quốc tế, trong đó 45 bài ISI, 71 bài Scopus và 924 bài báo trong nước có giá trị, được đánh giá cao.

KChiến lược phát triển Học viện Tài chính tầm nhìn 2045
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Nhờ uy tín về NCKH mà gần đây, Học viện Tài chính đã được tin tưởng lựa chọn chủ trì nhiều đề tài, đề án khoa học của các tỉnh, thành phố và các tập đoàn kinh tế lớn. Riêng trong năm 2023 này, Học viện Tài chính đã tổ chức thành công bốn hội thảo khoa học quốc tế lớn, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều học giả nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế tham gia. Những hội thảo này nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ 30 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu ở Việt Nam, Pháp, Anh, Nhật Bản, Italia... gửi kết quả nghiên cứu khoa học công bố tại hội thảo.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 98%

Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH cũng ngày càng được mở rộng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Đến nay, Học viện Tài chính đã có quan hệ hợp tác với gần 40 trường đại học và tổ chức quốc tế đến từ Anh, Pháp, Nga, Newzealand, Australia, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Malaysia...

Đặc biệt trong giai đoạn 2018 - 2022, Học viện duy trì hợp tác hiệu quả với các đối tác Đại học Greenwich (Anh), Đại học Toulon (Pháp), Đại học Help (Malaysia), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Dự án do USAID tài trợ…

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã được quan tâm tối đa, 4 toà giảng đường khang trang, hiện đại đã được đưa vào sử dụng. Hệ thống sách giáo trình, sách hướng dẫn học tập, sách tham khảo toàn diện cho các môn học; hệ thống tạp chí khoa học trong nước và quốc tế phong phú và có chất lượng cao; hệ thống học liệu điện tử đã bước đầu cung cấp những tài liệu quan trọng cho hoạt động nghiên cứu của giảng viên và học tập của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng, nhờ những nỗ lực toàn diện đó, chất lượng đào tạo của học viện đã ngày được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội, khắc phục dần những điểm chưa mạnh về đầu ra của sinh viên học viện. Điều này thể hiện rõ ở sự đánh giá khách quan của người sử dụng lao động và của tổ chức kiểm định chuyên nghiệp độc lập.

Chiến lược phát triển Học viện Tài chính tầm nhìn 2045
Toàn cảnh hội thảo.

Theo kết quả khảo sát năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm kể từ ngày tốt nghiệp của học viện là 97,72%, cao nhất trong số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Học viện Tài chính đáp ứng 54 trên 61 tiêu chí (88,52%) trong đó tất cả các tiêu chuẩn đều có ít nhất 1 tiêu chí đạt yêu cầu về chất lượng giáo dục, đứng nhóm thứ hai trong số các cơ sở giáo dục đã được công bố kết quả đánh giá ngoài.

69 bài viết có chất lượng đăng kỷ yếu hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Ban tổ chức chọn 69 bài viết có chất lượng đăng kỷ yếu hội thảo. Nhìn chung, các bài viết đã tập trung vào mọi lĩnh vực hoạt động của học viện với những đánh giá khách quan, trung thực về những kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của học viện thời gian qua.

Tuy vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, yêu cầu đối với các sản phẩm đào tạo và NCKH của các cơ sở giáo dục đại học cũng ngày càng cao. Đặc biệt, sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và internet trong bối cảnh thế giới đã thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những biến động to lớn có tác động đa chiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, trong đó có giáo dục đại học.

“Điều này đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Tài chính phải thường xuyên tự đánh giá để định vị đúng mình, để thấy rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mình, để thường xuyên đổi mới và phát triển” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chiến lược phát triển Học viện Tài chính những năm qua, đánh giá những định hướng quan trọng đã và dự định sẽ thực hiện có phù hợp thực tiễn không và cần điều chỉnh như thế nào… Đặc biệt là những vấn đề lớn như: huy động nguồn lực cho đầu tư trụ sở mới và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và NCKH; thu hút nhân tài đến làm việc, cộng tác, hợp tác về giảng dạy và NCKH; các giải pháp nâng cao vị thế và thương hiệu của học viện./.