Chính phủ điều hành khôn khéo, kinh tế khởi sắc tích cực
Kinh tế khởi sắc nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, khôn khéo của Chính phủ. Ảnh tư liệu

“Kết quả thu ngân sách năm 2023 rất tích cực”

Sáng 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023… Ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tạ Thị Yên cho rằng, trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. “Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế” - ĐBQH Tạ Thị Yên nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, kết quả thu ngân sách năm 2023 rất tích cực, vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2023 như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm 2022. “Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả hết sức tích cực này” - Đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định.

Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến ĐBQH thống nhất cho rằng, năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đáng chú ý, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI… Năm 2024, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực: GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023…

Có được kết quả đó, theo ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) và một số ĐBQH, thời gian qua, trong khó khăn, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt để giải quyết được các nút thắt ở các vùng miền trên cả nước. Như ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, kinh tế thế giới, khu vực khó khăn, tính ổn định của các nước kém, dẫn đến nhu cầu đầu tư giảm. "Trong bối cảnh đó, chúng ta giữ được tăng trưởng hơn 5% là đáng trân trọng. Lần đầu tiên chúng ta có quy mô kinh tế lớn lên đến 430 tỷ USD" - Đại biểu nhấn mạnh.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng

Ngày 16/3/3023, UBND TPHCM đã Đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Theo một số ĐBQH, nhờ nỗ lực của ngành Tài chính, thu ngân sách vượt kế hoạch góp phần kéo giảm bội chi NSNN và nợ công. Đây là nỗ lực lớn trong điều hành của Bộ Tài chính. Chính vì thế, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, theo các ĐBQH, thời gian tới, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội cho đầu tư. Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để khắc phục một số hạn chế, tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần. đầu tư tư nhân giảm đáng kể so với giai đoạn trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu và chủ yếu tăng tập trung trong tháng cuối năm; tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn vướng về quy trình…

Hiến kế cho Chính phủ, các ĐBQH đề nghị, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài... Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, từ hỗ trợ về vốn, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư… để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng khả năng cạnh tranh quốc gia.

Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thảo luận tại tổ liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, các ĐBQH cho rằng, công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THTK, CLP, các ĐBQH đề nghị cần đẩy nhanh hoàn thành ban hành định mức, đơn giá trong các lĩnh vực tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.