Phát triển công nghiệp đóng tàu

Phát triển công nghiệp đóng tàu

Nền công nghiệp nước ta phát triển còn rất khiêm tốn. Cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp hóa, năng lực dự báo, tiếp cận thị trường, sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ hợp tác còn hạn chế. Chưa chú trọng tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, như công nghiệp chế tạo và công nghiệp vật liệu. Thị trường sản xuất công nghiệp còn hạn hẹp, chưa gắn với thị trường khoa học công nghệ; thị trường sản xuất vật liệu chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn là nhập khẩu, phụ thuộc phần lớn vào các thị trường bên ngoài. Do vậy, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực và sản phẩm cạnh tranh quốc gia, chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế; giá trị gia tăng hầu hết trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đều chiếm tỷ trọng rất thấp; nguồn lực chưa được tập trung, thiếu những động lực cho công nghiệp quốc gia phát triển.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên trước hết từ việc tổng kết lý luận, thực tiễn về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; việc đánh giá, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới chưa đồng bộ, kịp thời trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để phát triển đất nước và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với những quan điểm, mục tiêu:

Thứ nhất, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải được xây dựng đồng bộ, tuân thủ đầy đủ các quy luật khách quan của thị trường, gắn liền với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược.

Thứ hai, chính sách công nghiệp quốc gia phải phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút có hiệu quả các nguồn lực nước ngoài. Phát huy vai trò tích cực của thị trường trong phân bổ các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ ba, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia lấy khoa học và công nghệ là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, chuyển nhanh sang kinh tế tri thức để tạo được bước nhảy vọt phát triển công nghiệp quốc gia.

Thứ tư, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải coi trọng đổi mới sáng tạo, trong đó yếu tố nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Thứ năm, chính sách phát triển công nghiệp phải đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp với thương mại, thúc đẩy công nghiệp hoá - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, công nghiệp văn hoá, công nghiệp dịch vụ, công nghiệp du lịch, công nghiệp môi trường và phát triển đô thị. Gắn sản xuất với thị trường, gắn thị trường công nghệ với thị trường sản xuất.

Để thực hiện quan điểm, mục tiêu nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu một số định hướng chính sách lớn về phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2035.

Một là, cần phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người để nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh tích lũy nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc gia. Nâng cao năng lực tiếp cận, phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, trong đó tập trung vào phát triển tiếp cận vốn và thị trường tài chính; lao động và thị trường lao động; khoa học công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng; tăng cường liên kết, hợp tác và kết nối thị trường giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế, không gian kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Hình thành một số tập đoàn công nghiệp mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động quốc gia và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp quốc.

Ba là, tiến hành phân loại các nhóm chính sách công nghiệp quốc gia để hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, nhất là nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp nền tảng, nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp vật liệu, vật liệu mới, công nghiệp số và công nghiệp phần mềm.

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với sản xuất kinh doanh, với nhu cầu của thị trường. Chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo kỹ năng, văn hóa và tác phong công nghiệp.

Phạm Xuân Đương - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương