PV: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022?

Chính sách tài khóa được thực hiện khẩn trương và đi vào cuộc sống
ĐBQH Trần Văn Lâm

ĐBQH Trần Văn Lâm: Nếu như năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, bởi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, thì sang năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới lại xuất hiện những diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao. Do là nền kinh tế có độ mở cao, nên chúng ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. GDP quý I ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại.

Có thể nói, đây là quyết sách đúng, trúng và kịp thời. Đến nay nhiều chính sách về tài khóa đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ…

Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi kinh tế, xã hội của đất nước.
Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất và đó cũng là điều quan trọng nhất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nhiều nhất để kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư còn chậm. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cho ý kiến để Chính phủ quyết 18 nghìn tỷ trong tổng số hơn 100 nghìn tỷ tăng lên của gói đầu tư trong gói hỗ trợ năm 2022. Đến nay gần nửa năm vẫn chưa phân khai, chưa giao được nguồn vốn. Như vậy, nguồn vốn đầu tư triển khai chậm, tác dụng kích thích cho tăng trưởng sẽ bị hạn chế.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kỳ vọng, Chính phủ đã có một số đề xuất và Quốc hội đã chỉ đạo sẽ điều hòa nguồn vốn trung hạn để một số dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã quyết rồi, thì sẽ dồn vốn để tăng cho các dự án đó.

Quyết liệt hơn nữa để khắc phục tồn tại

“Trong giải ngân vẫn còn tồn tại tâm lý “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về vấn đề này, hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Về phía Quốc hội đã có chủ trương khắc phục. Tôi cho rằng, nếu là các nguyên nhân do yếu tố chủ quan, với tinh thần quyết liệt hơn, chúng ta có thể khắc phục được” - Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Một số vốn của gói kích thích theo Nghị quyết 43/2022/QH15 sẽ được bổ sung, đó là giải pháp điều hòa. Chủ trương này là rất hợp lý nhưng đẩy nhanh tiến độ cũng rất khó khăn, vì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, chất lượng dự án đủ điều kiện để phân bổ vốn trong kế hoạch trung hạn cũng không có nhiều.

Tôi cho rằng, đến thời điểm này, các giải pháp đưa ra trong thực tế chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án trong gói kích thích hỗ trợ.

PV: Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, gói kích thích về tài khóa chiếm phần lớn. Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai các chính sách tài khóa cho đến thời điểm hiện nay?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Các chính sách tài khóa được Bộ Tài chính thực hiện rất khẩn trương và đã đi vào thực tiễn, không có gì vướng mắc. Hiện các chính sách về giãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho nhiều đối tượng đang hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường.

Những chính sách tài khóa đang được triển khai là phù hợp và đóng góp rất tích cực cho quá trình phục hồi của kinh tế đất nước.

PV: Giải ngân vốn đầu tư công trong gói hỗ trợ còn chậm, nhưng hiện nay vẫn vướng do những nguyên nhân được cho là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, như: chậm giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng, điều chỉnh dự án đầu tư công… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Trần Văn Lâm: Đúng là những nguyên nhân tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết triệt để, như: trong quý I do dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Một nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, cũng là vướng mắc ảnh hưởng lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng; vướng về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù…; các dự án mới khởi công đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp chưa giải ngân được vốn…

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc là nguyên nhân khách quan, đặc biệt là thị trường thế giới giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ cần có cơ chế để giải quyết vấn đề này, nếu không, tình trạng chậm giải ngân các dự án không được cải thiện đáng kể.

PV: Xin cảm ơn ông!

“1 người lo không bằng 5 người lo”

Trả lời câu hỏi tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án đường cao tốc và đường vành đai 3, 4 của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đại biểu có vấn đề gì cần lưu ý khi thực hiện các dự án quan trọng này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho biết: 5 dự án quan trọng quốc gia này đều là các dự án cần thiết, cấp bách để nhanh chóng tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế vững chắc và đạt tốc độ cao hơn trong thời gian tới.

Việc triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cân đối nguồn vốn, phải có đủ nguồn vốn cân đối kịp thời cho quá trình triển khai các dự án, trong khi vẫn phải đảm bảo vốn cho các dự án khác. Vấn đề tiếp theo đó là triển khai, giải ngân vốn. Mấy năm nay, “tiền chờ công trình”, chúng ta có tiền nhưng giải ngân luôn khó khăn. Yếu kém trong công tác giải ngân thì có nhiều, nhưng vẫn chưa được cải thiện là mấy. Các dự án này đều là dự án lớn, không phải trong 1 năm mà nhiều năm, nên tác động ngoại cảnh là rất lớn. Chúng ta phải lường hết các yếu tố tác động trong quá trình này, sẵn sàng có phương án ứng phó, tháo gỡ, để các dự án nhanh chóng hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, cần phải rút kinh nghiệm một số tuyến đường như đường Hồ Chí Minh kéo dài gần 20 năm chưa hoàn thành.

Đành rằng, các dự án mới này có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy giải ngân vốn, theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, 5 dự án này cần có cơ chế phân cấp, trách nhiệm cao hơn cho các địa phương, “1 người lo không bằng 5 người lo”. Mỗi địa phương tham gia vào dự án sẽ có tinh thần trách nhiệm cũng như huy động nguồn đóng góp, tạo thuận lợi hơn cho triển khai các dự án này. Nếu được như vậy, việc triển khai 5 dự án sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.