Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục
Chính sách tài khóa đã góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Ảnh tư liệu

Thành công trong điều hành chính sách tài khóa

Liên tiếp trong 4 năm cực kỳ khó khăn khi nước ta phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công lại kéo giảm rất tốt (dưới 40% GDP, trong khi trần 60% GDP). Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Nhiều dư địa thực hiện chính sách hỗ trợ người dân

Đến cuối năm 2023, dư nợ công ước khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 (60% GDP). Các khoản vay được cơ cấu lại với chi phí thấp, kỳ hạn dài. Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Bội chi 3 năm 2021 - 2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Như vậy, cùng với bội chi giảm, các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Cùng với đó, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương...

Ngoài ra, còn một nguồn kinh phí nữa là tài sản công. Theo đó, Chính phủ nên dành thời gian rà soát, kiểm kê nơi nào sử dụng tài sản công không hiệu quả thì xem xét đấu giá, lấy tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều đó không chỉ tạo nguồn lực phục hồi mà quan trọng hơn là tạo niềm tin trong nhân dân về khâu quản trị quốc gia, tin tưởng vào sự quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, tài sản nhân dân.

Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nhận định về điều này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đánh giá, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, quan tâm an sinh xã hội và phát triển doanh nhân; Chính phủ quyết tâm chính trị rất lớn, làm việc ngày đêm, lập các tổ công tác; Quốc hội sẵn sàng họp chuyên đề, họp bất thường để xem xét thể chế; sự đồng thuận nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp rất cao. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Kiên định mục tiêu hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Còn nhớ vào cuối năm ngoái, dự hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, đánh giá sau 1 năm nỗ lực của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã chủ động, linh hoạt, kịp thời đề xuất các chính sách hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Hơn 700 nghìn tỷ đồng là số tiền giãn, giảm thuế, phí rất lớn, giúp kinh tế phục hồi trong bối cảnh khó chồng khó.

Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính thời gian qua. Vượt qua sóng gió, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa - ngân sách một cách linh hoạt, tài tình khi vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, kéo giảm bội chi và nợ công… làm cho tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: “Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi NSNN, ngành Tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, song vẫn kiểm soát được

bội chi, nợ công. Trong thành tích chung đạt được của cả nền kinh tế có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính”.

Những thành tựu đạt được cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ: Điểm sáng đầu tiên phải kể đến là quản lý chính sách tài khóa có hiệu quả, mà điểm sáng trong thu NSNN, hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt trong thu NSNN năm 2023 tăng hơn 8%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tham mưu Chính phủ, Quốc hội giãn, giảm thuế, phí và lệ phí gần 200 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là năm thứ 3 kể từ khi có dịch, Bộ Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụtài chính - NSNN, với số thu NSNN luôn đạt và vượt dự toán được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Những hỗ trợ của Chính phủ càng có ý nghĩa khi mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn, Chính phủ đã kiên định, nhất quán trong mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.

Năm 2024 đã đi qua 1/4 chặng đường, tuy nhiên dự báo những khó khăn còn ở phía trước, những thách thức đặt ra cũng nhiều hơn. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2024 - 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

GS.TS ANDREAS STOFFERS - GIÁM ĐỐC QUỐC GIA VIỆN FRIEDRICH NAUMANN FOUNDATION FOR FREEDOM (FNF) TẠI VIỆT NAM:

Điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ táo bạo, thành công

Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục

Năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trước tình hình quốc tế vô cùng phức tạp. Các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính

phủ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc khắc phục khó khăn kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh các khía cạnh sau: Chính sách hỗ trợ kinh tế trong nước của Chính phủ là nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ đã được thực thi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt (lãi suất thấp, mở rộng cung tiền...) cộng với nới lỏng tài khóa (tổng miễn thuế, phí, gia hạn, giảm ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng vào năm 2023) đã phát huy tác dụng trong hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam vào năm 2023.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam đã khá thành công và cũng là sự táo bạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đi ngược lại xu hướng thắt chặt của thế giới để kiên trì mục tiêu tăng trưởng. Tôi kỳ vọng rằng, việc thực hiện các biện pháp mới - vốn luôn mất thời gian để phát huy tác dụng - đang giúp kích thích nhu cầu kinh tế và thị trường bất động sản. Trong mọi trường hợp, nó sẽ có tác động tâm lý tích cực trên thị trường, hỗ trợ tăng trưởng.

Luyện Vũ (ghi)

TS. DORSATI MADANI - CHUYÊN GIA KINH TẾ CAO CẤP CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM:

Chính sách tài khóa đúng hướng, linh hoạt

Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục

Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ trong thời gian qua là đúng hướng. Các cơ quan chức năng đã có nỗ lực rõ ràng để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua việc thực hiện Kế hoạch phục hồi kinh tế 2022 - 2023.

Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp giảm thuế (bao gồm: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ tổng cầu, giảm thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp và một số khoản gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp). Trong năm 2023, Chính phủ đã tăng ngân sách đầu tư theo kế hoạch thêm 20% so với năm 2022 (tương đương khoảng 1,6% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế.

Việc Việt Nam áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này nhằm đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Khi nền kinh tế đang gặp cú sốc tiêu cực như đại dịch Covid-19, việc áp dụng các biện pháp như giảm thuế cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, tăng đầu tư công và mở rộng chính sách bảo trợ xã hội hiệu quả và có mục tiêu tốt giúp hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, qua đó hỗ trợ tổng cầu.

Mai Lâm (ghi)