Chống buôn lậu gia cầm để phát triển ngành chăn nuôi trong nước
Lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch cửa khẩu Chi Ma kiểm đếm số gia cầm giống bị thu giữ đầu tháng 10/2023. Ảnh: Thu Ngọc

PV: Thực tế, tình trạng vận chuyển, buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phổ biến, phức tạp. Việc buôn lậu, vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc hiện nay sẽ gây ra hệ lụy gì, thưa ông?

Chống buôn lậu gia cầm để phát triển ngành chăn nuôi trong nước

Ông Nguyễn Văn Long: Việc nhập lậu gia cầm gây ra nguy cơ rất lớn. Trước tiên, gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước; các biến chủng vi rút ngoại nhập vào nước ta. Do đó, gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vắc xin hay các biện pháp phòng bệnh cho các bệnh/chủng vi rút ngoại lai, gây thiệt hại về kinh tế cho gia cầm nuôi trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người là rất cao.

Ví dụ, những năm 2003, 2004, dịch cúm gia cầm xảy ra, hơn 60 triệu con gia cầm phải tiêu hủy, gần 50 người chết, thiệt hại 0,5% GDP.

Bên cạnh đó, nhập lậu gia cầm gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường; ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững; đặc biệt dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế.

PV: Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các lực lượng liên quan như thế nào để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm?

Ông Nguyễn Văn Long: Thực hiện Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 yêu cầu ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, ngành Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tập trung tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật; tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Tại các cuộc họp giao ban, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi) phải tham gia một cách tích cực, quyết liệt để ngăn chặn vấn đề buôn lậu gia cầm giống và Cục Thú y cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo. Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, hệ thống thú y các tỉnh, thành, nhất là Chi cục Chăn nuôi - Thú y phải vào cuộc.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Ngày 18/9, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) - Bộ Công an về việc phối hợp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Bộ NN&PTNT đề nghị C05 chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: quản lý thị trường, hải quan, thú y và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa có kiểm dịch của cơ quan thú y.

Đồng thời, cùng ngày, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội và Bắc Giang đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các chợ đầu mối để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép…

PV: Dự báo từ nay đến Tết, theo nhu cầu của thị trường thì tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, do vậy công tác chống buôn lậu vẫn phải kéo dài. Cơ quan thú y và các địa phương sẽ tập trung giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu gia cầm, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long: Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Phía cơ quan Thú y sẽ tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ; phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả. Song song đó, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật Thú y.

Lực lượng thú y sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển; phối hợp với địa phương để theo dõi đối chiếu số liệu thống kê tổng đàn với số liệu đăng ký kiểm dịch vận chuyển để kịp thời phát hiện các biến động lớn liên quan đến nhập lậu động vật.

Các địa phương cần giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp với cơ quan quản lý thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển…

PV: Xin cảm ơn ông!

Phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu gia cầm

Xác định chống buôn lậu gia cầm là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, với mục đích bảo vệ phát triển chăn nuôi trong nước, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam, các lực lượng chức năng: Hải quan, Quản lý thị trường, Thú y... đã chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát việc nhập lậu gia cầm qua biên giới.