Vấn nạn nhức nhối

Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng và nền kinh tế số Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hội Sáng chế Việt Nam, nước ta hiện đang là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2021, Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020) trên môi trường kinh doanh sàn thương mại điện tử. Dự báo trong năm 2022, nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ còn đạt giá trị cao hơn nữa.

Thương mại điện tử giúp nhà sản xuất phát triển thị phần hiệu quả hơn, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm trong và ngoài nước theo nhu cầu. Song, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet đang là vấn đề nhức nhối và công tác chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành Hải quan triển khai các giải pháp kiểm tra, giám sát nhóm hàng hóa có nguy cơ vi phạm xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: NB
Ngành Hải quan triển khai các giải pháp kiểm tra, giám sát nhóm hàng hóa có nguy cơ vi phạm xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: NB

Khó khăn lớn nhất đến từ việc các trang thông tin giả, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội facebook, zalo… nở rộ, bán hàng thật chung với hàng giả. Mặc dù pháp luật đã có gần như đầy đủ các quy định điều chỉnh, đồng thời mức xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái cũng mạnh hơn nhưng vẫn chưa đủ tính răn đe do lợi nhuận từ hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn nên các đối tượng vẫn triệt để lợi dụng.

Theo ông Lê Duy Anh - Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, cả phía cơ quan chức năng và các doanh nghiệp chủ sàn thương mại điện tử đều cần phải tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, có công cụ hiệu quả giúp rà soát đầu vào của các sản phẩm khi đưa lên sàn, từ đó nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi sàn thương mại điện tử của mình.

Tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đã tìm giải pháp để “tự bảo vệ mình” thông qua việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả, ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem bao bì, sử dụng mã QR code và SMS.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, các công nghệ từ những hệ sinh thái này sẽ giúp truy xuất và chống giả hiệu quả. Điều này giúp truy vết nguồn gốc sản phẩm, xác thực hàng chính hãng, chống sao chép, làm giả, nhái sản phẩm, kiểm soát sản phẩm khi đưa lên kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, do hệ thống chạy trên điện toán đám mây nên giúp việc tra cứu thông tin và giám sát từ xa được dễ dàng hơn.

Chia sẻ về “cái khó” của các lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, công tác kiểm tra, xác minh, xử lý tốn rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, việc tăng cường quản lý, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số đã và đang được các lực lượng chức năng đầu tư, chú trọng rất nhiều, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tuyên truyền về các tác hại của hàng giả để người dân tích cực tố giác các hành vi gian lận, buôn bán hàng giả.

Thiết lập các kênh phân phối chính thức

Để bảo vệ tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung, như: Xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thường xuyên tra cứu cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn các hành vi xác lập quyền có khả năng gây xung đột với quyền sở hữu trí tuệ đã xác lập của doanh nghiệp, bằng cách nộp đơn phản đối cấp văn bằng bảo hộ sau khi đơn được công bố.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt trong việc tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả để có hướng dẫn xử lý, ngăn chặn hàng giả, kịp thời răn đe, tránh các trường hợp tái phạm. Điều này thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Với chức năng là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bày tỏ mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, cũng như sự chung tay phối hợp từ các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức xã hội, nhằm đưa ra các phương án, giải pháp, công cụ hỗ trợ cho việc quản lý, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng được hiệu quả hơn.

Ở khía cạnh khác, có thể nói, việc kiện toàn hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi như công an, biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu là hết sức quan trọng.

Người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình trước hàng giả

Hàng lậu, hàng giả hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam. Trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt, mà điều quan trọng, người tiêu dùng chính là tất cả người dân đang sinh sống trên đất nước.

Pháp luật đã có đầy đủ chế tài đối với các vi phạm này, song trên thực tế, vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là về nhân sự không đủ đáp ứng cho quản lý một thị trường rộng lớn, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái vô cùng đa đạng dưới nhiều hình thức, mà các biện pháp chế tài lại không được áp dụng triệt để. Bên cạnh đó các mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu vào của các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nên công tác bảo vệ doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, mỗi thành phần một vị trí, trách nhiệm nhưng phải có sự gắn kết. Trong đó, người tiêu dùng cũng phải thực thi nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật. Đó là khi phát hiện hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thì phải có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối khi nhận được thông tin của người tiêu dùng thì phải có động thái tích cực, tìm hiểu, khảo sát và thông báo chính quyền để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, trừng phạt, không vì e ngại chi phí phát sinh mà bỏ qua, khiến người tiêu dùng chán nản, quay lưng với nghĩa vụ của mình. Quan trọng nhất vẫn là sự tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, “tìm đến nơi, truy đến chốn” và nghiêm túc thực thi pháp luật đối với những người làm ăn bất chính. Chính điều này là động lực để thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng với doanh nghiệp trong cuộc chiến với những hành vi vi phạm pháp luật.