Kịp thời xác định những tồn tại, vướng mắc

Với định hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt hồ sơ thanh toán, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát chi (KSC) ngân sách nhà nước (NSNN), tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các KBNN tỉnh, thành phố thực hiện kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Trong quá trình KSC, các đơn vị KBNN đã phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán, tạm ứng, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN đều được tiếp nhận và giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định. Đồng thời, KBNN thường xuyên có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ gửi đến kho bạc.

KBNN cũng thường xuyên chỉ đạo cán bộ KSC tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do và phải luôn đảm bảo tuân thủ thời gian kiểm soát thanh toán cho các dự án có đủ điều kiện giải ngân tối đa không quá 4 ngày làm việc.

Nguồn: Bộ tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Bên cạnh đó, KBNN luôn chủ động cử cán bộ đi thực tế kiểm tra để kịp thời nắm bắt những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân các dự án.

Đặc biệt, trong nhiều năm gần đây, để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước, toàn hệ thống KBNN đã linh hoạt áp dụng 2 phương thức thanh toán là “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và “Kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hồ sơ thanh toán. Đồng thời, toàn hệ thống đã đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và kiểm soát trên dịch vụ công trực tuyến của kho bạc giúp cho việc giải ngân vốn đầu tư công được minh bạch và nhanh chóng hơn.

Tiếp tục gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành chỉ thị, công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, mang lại hiệu quả cao cho xã hội từ nguồn vốn này.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của cả nước vẫn đang rất chậm. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính tính đến hết tháng 2/2023, ngoài một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%), vẫn còn 50 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Đẩy nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư

Góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đề nghị Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) báo cáo bộ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, đẩy nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư, đồng thời nhập, phê duyệt kịp thời kế hoạch vốn vào Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo quy định làm cơ sở để các chủ đầu tư, KBNN triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN, quyết tâm không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, KBNN đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác KSC NSNN nói riêng để triển khai công tác KSC đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN thực hiện quy định về giao nhận hồ sơ thanh toán vốn qua dịch vụ công trực tuyến theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của KBNN đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng với các quy định. Các đơn vị KBNN phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định gửi KBNN…

“Đặc biệt, KBNN nghiêm cấm công chức KSC yêu cầu khách hàng giao dịch phải gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ quy định phải gửi KBNN và không được yêu cầu gửi hồ sơ giấy trước khi chuyển hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (đối với trường hợp thực hiện giao dịch qua hệ thống dịch vụ công theo quy định). Đồng thời, cán bộ KSC không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn quá 1 lần…” - bà Thúy nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư các dự án trên địa bàn, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp với thực tế tại địa phương. Đồng thời, KBNN đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có những giải pháp tháo gỡ cho các chủ đầu tư, nhà thầu đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm và những dự án đã thực hiện tạm ứng vốn và chưa thực hiện hoàn trả vốn tạm ứng./.