Chỉ đạo sát sao

Theo lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), việc đảm bảo an toàn cho tài sản, hàng dự trữ quốc gia (DTQG) là một trong những nhiệm vụ được Tổng cục DTNN đặc biệt chú trọng, quan tâm. Ngay sau khi nhận được thông tin về các cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng cục DTNN đã ban hành các công điện để chỉ đạo các Cục DTNN khu vực triển khai đồng bộ các giải pháp, sẵn sàng ứng phó với mưa bão.

Theo đó, ngày 7/10 Tổng cục DTNN đã ban hành Công điện số 06/CĐ-TCDT về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở khu vực Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên xuất cấp máy phát điện phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Mai  Thị Thuỷ
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên xuất cấp máy phát điện phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Mai Thị Thuỷ

Ngày 9/10, Tổng cục DTNN đã ban hành Công điện số 07/CĐ-TCDT về việc ứng phó với cơn bão số 7.

Ngày 11/10, Tổng cục DTNN đã ban hành Công điện số 07/CĐ-TCDT về việc ứng phó với cơn bão Kompasu (cơn bão số 8).

Tinh thần chỉ đạo chung của Tổng cục DTNN là yêu cầu các cục dự trữ khu vực nêu trên thực hiện: Tổ chức trực ban 24/24 giờ, cập nhật thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, tình hình mưa lũ, kịp thời có biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng hóa DTQG.

Tăng cường kiểm tra tài sản, kho chứa hàng DTQG; kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn về số lượng, chất lượng hàng DTQG.

Đối với các cục DTNN khu vực đang thực hiện xuất cấp hàng DTQG (lương thực, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn) theo quyết định của cấp có thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đảm bảo tiến độ, thời gian.

Đối với các cục DTNN khu vực đang thực hiện nhập, xuất hàng DTQG, cục trưởng cục DTNN khu vực chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện nhập, xuất hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và chất lượng hàng DTQG khi nhập, xuất kho.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục DTNN cũng yêu cầu các cục DTNN khu vực rà soát trang thiết bị, lương thực bảo quản trong kho dự trữ, chuẩn bị sẵn sàng phương án xuất kho, vận chuyển, giao hàng kịp thời cho các địa phương hỗ trợ ứng cứu nhân dân vùng lũ.

Bảo quản an toàn lương thực, xuất cấp đảm bảo tiến độ

Qua tìm hiểu từ các cục DTNN khu vực, các đơn vị triển khai đúng các chỉ đạo theo các công điện của Tổng cục DTNN, tăng cường công tác rà soát hiện trạng kho tàng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện… Chủ động triển khai công tác chằng chống kho tàng, nhà cửa, kho lưu trữ, nơi cất tài liệu của đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với những nguy cơ, sự cố xảy ra.

Kịp thời ứng phó với mọi tình huống

Các cục Dự trữ nhà nước khu vực luôn chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra; đồng thời sẵn sàng các nguồn lực dự trữ quốc xuất, cấp để khắc phục hậu quả thiên tai khi có quyết định.

Các cục DTNN khu vực đều tổ chức trực ban 24/24, đảm bảo 100% quân số, phân công lực lượng trực bổ sung xuống các kho xung yếu trong các đợt mưa bão, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau mưa bão.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Cục trưởng phụ trách Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh, đơn vị có 7 chi cục với 17 kho dự trữ, nằm rải rác trên địa bàn các huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Với tính chất quan trọng và hậu quả vô cùng lớn do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, đảng ủy, lãnh đạo cục rất quan tâm đến công tác phòng chống bão lụt.

“Mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn về con người, tài sản, hàng hóa DTQG trong mùa mưa bão được đặt lên hàng đầu, đơn vị thường xuyên vận động, tổ chức hướng dẫn cho cán bộ công chức những biện pháp chủ động chuẩn bị, tự tổ chức phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ)” - bà Hằng chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoàng – Cục trưởng Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, hiện tại đơn vị có 5 chi cục đóng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Cũng như mọi năm, mưa bão dồn dập đổ vào miền Trung, chính vì thế đơn vị luôn chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, tăng cường rà soát hiện trạng kho tàng, nhất là các điểm kho xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sự cố do thiên tai gây ra để chủ động các biện pháp phòng, chống hiệu quả giảm thiểu thiệt hại; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong công tác phòng chống lụt bão. Đơn vị cũng có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có kho, hàng DTQG, trụ sở cơ quan dự trữ để sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại đơn vị.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Hữu Hoàng, song song với việc bảo đảm an toàn hàng hóa DTQG thì nhiệm vụ ưu tiên số 1 của đơn vị là tập trung thực hiện xuất cấp hàng hóa, vật tư, thiết bị cứu trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tốc độ nhanh nhất, kịp thời nhất. Hiện đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị để xuất cấp hơn 741 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.