hành lý

Khách chờ lấy hành lý tại sân bay Ảnh minh họa

Giấy tờ cần chuẩn bị cho chuyến bay

Khi di chuyển bằng đường hàng không, hành khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

- Vé máy bay

- Chứng minh nhân dân (Hộ chiếu/Visa đối với chuyến bay quốc tế).

- Nếu đi cùng với trẻ em dưới 14 tuổi, bạn phải mang theo giấy tờ tuỳ thân của mình + giấy khai sinh (hoặc giấy chứng sinh đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi) đến để làm thủ tục bay.

- Nếu con bạn đã đủ tuổi làm chứng minh nhân dân, nhưng vì lý do nào đó chưa làm kịp, bạn phải mang theo giấy khai sinh của con, cùng với giấy xác nhận thân nhân có chứng nhận của công an phường, xã nơi cư trú.

Thời gian cần thiết để làm thủ tục lên chuyến bay

Thời gian mở quầy làm thủ tục

• Chuyến bay quốc tế khởi hành từ lãnh thổ Việt Nam: 03 tiếng trước thời gian dự định cất cánh.

•Chuyến bay quốc tế khởi hành từ ngoài lãnh thổ Việt Nam: Từ 02 – 03 tiếng trước thời gian dự định cất cánh.

•Chuyến bay nội địa: 02 tiếng trước thời gian dự định cất cánh.

Thời gian đóng quầy làm thủ tục

•Chuyến bay quốc tế: 50 phút trước thời gian dự định cất cánh.

•Các chuyến bay nội địa: 40 phút trước thời gian dự định cất cánh.

•Quầy làm thủ tục tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle; London Gatwick; Frankfurt được đóng 60 phút trước thời gian dự định cất cánh.

Căn cứ theo thời gian làm thủ tục trước chuyến bay, các hãng hàng không lưu ý để nhằm tránh cho hành khách gặp những trường hợp mất nhiều thời gian như tắc đường, kiểm tra an ninh, hành khách cần có mặt ở sân bay ít nhất là 60 phút đối với chuyến bay nội địa và 120 phút đối với chuyến bay quốc tế.

Tất cả hành khách phải đến cửa ra máy bay ít nhất 45 phút trước giờ cất cánh. Nếu bạn không có mặt tại cửa ra máy bay ít nhất 15 phút trước giờ khởi hành, bạn sẽ bị mất chỗ trên chuyến bay.

Quy định hành lý của các hãng hàng không

Mỗi hãng hàng không có quy định riêng về hành lý.

Với Vietnam Airlines, những loại vé thường hoặc phổ thông, bạn được phép mang tối đa 20 kg ký gửi + 7 kg xách tay. Còn đối với những loại ghế hạng thương gia thì bạn được phép mang tối đa 30 kg hàng ký gửi + 7 kg hàng xách tay. Trong trường hợp số hàng hóa mà bạn vượt quá số cân quy định thì bắt buộc bạn phải mua thêm số kg hành lý đã vượt quá với giá 85.000 VNĐ/kg hành lý.

Đối với hãng hàng không Vietjet Air, hành lý ký gửi không kèm theo vé máy bay ngoại trừ 7 kg hành lý xách tay. Đối với những loại hàng hóa có trọng lượng trên 75 kg bắt buộc bạn phải mua vé chỗ ngồi cho hàng hóa đó và thanh toán cước vận chuyển thích hợp.

Với hãng Jetstar, khi đi trên chuyến bay mỗi hành khách được phép mang 1 hành lý xách tay lớn và vật dụng nhỏ với tổng trọng lượng không quá 7 kg. Còn hành lý ký gửi bạn phải mua thêm trọng lượng tối đa không được vượt quá 32 kg.

Ngoài hành lý miễn cước, hãng sẽ nhận vận chuyển không thu phí đối với xe lăn có thể gấp được và các phương tiện trợ giúp di chuyển (nếu hành khách bắt buộc phải sử dụng); đồ dùng cho trẻ sơ sinh như: xe đẩy, cũi cầm tay, nếu hành khách đi kèm em bé.

Những hành lý hạn chế vận chuyển khi đi máy bay

- Hành lý cồng kềnh:

Thông thường những loại hành lý cồng kềnh sẽ được cho vào khoang chứa hành lý, nhưng nếu bạn lại muốn mang theo những loại hành lý cồng kềnh đó vào chỗ ngồi trên máy bay cạnh bạn, thì bạn phải đáp ứng những điều kiện sau: ghế ngồi của hành khách và các ghế đặt trước phải được giữ chỗ. Các loại vé này phải đảm bảo trên cùng một chuyến bay và trên cùng một hạng dịch vụ.

Cũng cần lưu ý rằng, những quy định trên là áp dụng cho loại hành lý cồng kềnh, nhưng có kích thước tương đối và có vai trò quan trọng đối với hành khách.

- Đối với các loại hành lý đặc biệt:

Các hãng nhận vận chuyển, nhưng cũng phải tuân thủ các điều kiện vận chuyển như sau:

•Các loại đá khô: Đá khô được sử dụng để bảo quản hành lý xách tay là các chất tươi sống, có trọng lượng không vượt quá 2kg mỗi hành khách.

•Các loại đồ uống có cồn: Theo quy định của các hãng, thì khi bạn mang những loại đồ này dưới dạng xách tay hoặc ký gửi thì đều phải đựng trong chai, bình thủy tinh, và phải được đóng kín hoàn toàn. Thể tích tối đa của các chất lỏng này, không vượt quá 5 lít đối với đồ uống chứa cồn và 2 lít đối với các loại nước hoa.

•Bình oxy nhỏ: Nếu bạn cần dùng đến bình oxy với mục đích y tế thì trọng lượng tối đa cho phép là 230g.

•Thiết bị trợ tim: Nếu là các thiết bị hỗ trợ tim thông thường thì bạn hoàn toàn có thể mang theo lên máy bay, còn đối với những thiết bị trợ tim chạy bằng nguyên liệu có chứa chất phóng xạ như acquy phutonium thì tất cả các hãng sẽ từ chối vận chuyển.

•Xe lăn acquy: Đối với những loại xe lăn này các bạn có thể mang lên trên máy bay, nhưng cần phải tuân thủ những quy định của các hãng đề ra.

Ngoài ra tất cả các hàng hàng không tại Việt Nam sẽ từ chối vận chuyển những đồ dùng, thực phẩm nặng mùi như nước mắm, hải sản tươi sống, mực khô, sầu riêng,... Nếu muốn mang theo, bạn phải gói ghém thật kỹ và chuẩn bị sẵn tâm lý để mạnh dạn bỏ chúng lại nếu bị phát hiện.

HG